Giá bia sẽ ‘ đu’ theo giá nước?

author 09:43 29/09/2015

(VietQ.vn) - “Giá nước tăng 20% trong tháng 10 tới đây chắc chắn sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất của doanh nghiệp đồ uống”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA).

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, từ ngày 1/10, các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tăng giá bán nước sạch 19% so với giá hiện đang áp dụng.

Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, giá bán nước sạch sinh hoạt theo cách tính lũy tiến sẽ tăng từ 5.020 đồng/m3 lên 5.973 đồng/m3 với 10m3 đầu tiên.

Tương tự, nếu hộ dân sử dụng khoảng 15m3/tháng thì số tiền hiện phải trả khoảng 79.850 đồng/tháng, còn theo giá nước sạch từ 1-10 phải trả 94.990 đồng/tháng. Như vậy, số tiền chênh lệch với hộ sử dụng nước sinh hoạt bình quân khoảng 15m3/tháng phải trả thêm 15.140 đồng/tháng. Đây là mức tăng mà người dân có thể chấp nhận được” - một lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội nói.

Ngoài ra, giá bán nước sạch cho các cơ quan, đơn vị phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng đã được điều chỉnh tăng 19% so với mức giá hiện đang áp dụng.

Giá bia sẽ ‘ đu’ theo giá nước?

Sắp tới, bia, rượu, nước giải khát có thể đội giá theo nước

Cũng như Chủ tịch VBA, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng giá nước sạch tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đồ uống. 

Trong khi đó, một lãnh đạo bia Việt Hà cho biết, việc giá nước tăng 20% ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất đồ uống trong nước. Vị này cho rằng, nước chiếm trên 90% cấu thành sản phẩm. Tăng giá nước 20%, chi phí sản xuất có thể tăng tương ứng thêm 20%. Nếu không tăng giá bia, rượu, nước giải khát, doanh nghiệp sẽ lỗ.

Không chỉ áp lực từ giá nước sách tăng, ông Việt lo ngại, tới đây khi sản phẩm bia rượu nước ngoài vào thị trường Việt Nam không bị đánh thuế nhập sẽ tạo ức ép đối với đồ uống trong nước. Theo đó, nếu doanh nghiệp đồ uống nếu không nâng chất lượng và kênh phân phối, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, ông Phòng cũng cho rằng, việc xóa thuế cho nhiều loại bia rượu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng đã có thói quen lựa chọn sản phẩm sản xuất trong nước nên cũng không dễ dàng từ bỏ sản phẩm nội.

"Cơ quan quản lý cũng nên có một lộ trình áp thuế, hay giãn thuế cho phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Một mặt, phía doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ sản xuất, giảm thiểu chi phí sản xuất để sản phẩm sản xuất ra có mức giá phù hợp hơn nữa với thị trường tiêu dùng, cũng như nâng sức cạnh tranh ", ông Phòng khuyến nghị.

Ông Dương Như Quang - Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà cho biết, thực tế, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống đã xác định được lộ trình hội nhập. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất bia đã chuẩn bị tâm lý về nhưng cơ hội và khó khăn thách thức khi thị trường tự do. 

Tuy nhiên, theo ông Quang, chuẩn bị tâm lý là một chuyện, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng cũng như mở rộng mạng lưới bán hàng để tăng thị phần. Để tồn tại và phát triển được, các doanh nghiệp đồ uống như bia Hà Nội, bia Sài Gòn và các hãng đồ uống khác phải xây dựng hệ thống khách hàng đủ mạnh, đủ sức để cạnh tranh với các hãng bia nước ngoài.

"Cạnh tranh về giá cả chỉ là một yếu tố, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết hơn. Khi đời sống người dân ngày một cao, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Vì lý do đó, doanh nghiệp sản xuất không những phải nắm rõ được loại đồ uống yêu thích của từng vùng khách hàng mà nên đầu tư công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng", ông Quang nói. 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang