Giá cả hàng hóa cận tết dự báo tăng mạnh

author 09:42 26/01/2013

(VietQ.vn) - Chỉ còn gần 2 tuần nữa là tới tết Nguyên đán Quý tỵ 2013, trên thị trường, thời điểm này sức mua vẫn chậm. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của PV Chất lượng Việt Nam mới đây, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng rất có thể sẽ “cháy” một số mặt hằng hoặc giá cả cao gấp 2, 3 lần ngày thường.

Năm nay kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp lo ngại dịp tết sức mua yếu, với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, ông có nhận định về vấn đề này thế nào?

Tết Quý tỵ 2013 đang tới gần, tình hình kinh doanh sẽ khác so với những năm trước. Điều đó thể hiện qua 4 vấn đề chính.

Một là, sức mua yếu. Sở dĩ có điều đó là vì năm 2012 doanh số bán lẻ tăng 17% nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì doanh số đó chỉ còn có 6,3%. Trong khi đó, thời kỳ “hoàn kim” nhất của bán lẻ diễn ra trong khoảng thời gian từ 2001 – 2007, tăng trưởng doanh thu bán lẻ là 11% – 12%.

Mức tăng chỉ đạt 6,3% như nói trên đã đủ cho thấy sức mua đã giảm mạnh so với những năm 2001 – 2007.

Giá cả đang tăng chóng mặt. Ảnh minh họa

Sức mua giảm, cạn kiệt có nguyên nhân từ thu nhập thực tế, đồng lương của người lao động giảm, trong khi giá cả lại tăng vù vù. Tiền lương tăng không theo được mức tăng của giá cả.

Hai là, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng lậu những tuần gần đây diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng “bắt bớ” hàng lậu liên tục. Tuy nhiên, vẫn chỉ đụng đến phần nổi của tảng băng chìm.

Ba là, các chương trình hỗ trợ như 21 tỉnh, thành phố làm hàng bình ổn giá nhưng mới chỉ chiếm 20 – 30% thị phần. Số còn lại tới 70% thị trường vẫn còn tự do và đương nhiên thị trường tự do đang quyết định giá cả.

Thứ tư là, thời tiết năm nay có nhiều biến đổi bất thường, trời rét, lạnh liên tục, kéo dài, khiến cho nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng lớn. Rau, củ, quả; gia súc, gia cầm chậm lớn.

Ngoài 4 yếu tố trên, nhiều địa phương cách nay từ 5 - 7 tháng, do thức ăn đầu vào, phân bón tăng lên, chi phí tăng nên đã bỏ chuồng, bỏ trại… dẫn đến cung thiếu cục bộ từng vùng thời điểm trước, trong, sau tết Nguyên đán.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu khan hàng, tăng giá mạnh trong vài ngày tới.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, nhiều loại hàng hóa có dấu hiệu khan hàng, tăng giá mạnh trong vài ngày tới.

Hàng hóa năm nào cũng bất ổn giá về dịp tết, theo ông nên có biện pháp tháo gỡ triệt để vấn đề đó như thế nào?

Về nguồn cung, nếu thiếu có thể nhập nhưng nhập phải có kiểm soát chặt chẽ. Còn khi nhập như nhập gà có kháng sinh, thải loại…trong thời gian qua là hại người dân. Mỗi tháng nên nhập vài chục ngàn tấn thịt bởi vì nguồn cung hiện đang khó khăn.

Các cơ quan chức năng vẫn nói rằng đảm bảo nguồn cung tuy nhiên ai đang đảm bảo, lực lượng nào vào cuộc đảm bảo cung cầu. Giá cả hàng hóa mua bao nhiêu, vốn ở đâu…? Đó là những câu hỏi cơ quan chức năng vẫn khó trả lời.

Việc bình ổn cung cầu không chỉ nói chung chung, mà cần chỉ rõ được lực lượng nếu không chỉ là vẽ trên giấy.

Nếu như muốn kiểm soát được giá cả, lực lượng chức năng phải đảm bảo được nguồn cung tới 70%. Còn khi nguồn cung mới chỉ đảm bảo 20 – 30%, vẫn chưa đảm bảo.

Ví dụ như trong lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex đã bao tiêu được tới đa phần thị trường xăng dầu cho cả nước.

Đến thời điểm này, đã rất cận tết, nguồn cung không thể “thúc” kịp để đưa thịt gia súc, gia cầm ra thị trường. Rau có thể vẫn còn một tuần nữa nhưng cũng đã rất cận tết.

Ngoài việc các nhà bán lẻ, tìm nguồn hàng những địa phương tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải liên kết với các địa phương khác để chuyển hàng hóa vào phục vụ cho nhu cầu ở thành phố lớn. Qua đó tạo điều kiện cho bà con nông dân buôn bán hàng hóa, tăng cường hoạt động các chợ đầu mối, kiểm soát tốt hàng lậu như phế phẩm, nội tạng động vật…

Hàng thời trang được cho là không có đột biến giá trong dịp tết năm nay. Ảnh minh họa 

Ngoài ra, vai trò nhạc trưởng của Bộ Công Thương, của Sở Công Thương các địa phương trong cả nước cần phát huy tốt hơn vai trò và trách nhiệm của mình, để tết này dù “nghèo” hơn các tết trước nhưng đảm bảo tiết kiệm, lành mạnh, an toàn.

Liệu trong dịp tết này, các siêu thị ở Hà Nội có đảm bảo nguồn hàng tiêu thụ không thưa ông?

Hà Nội kể từ khi sát nhập Hà Tây đến nay, từ thị phần siêu thị đạt 20% đã tụt xuống có 13%. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, thị phần hàng hóa siêu thị chiếm 25% tổng lượng hàng hóa trên thị trường.

Do đa số người nghèo, thu nhập thấp vẫn thích mua hàng ở thị trường tự do, chưa dám vào siêu thị. Vì thế, trong quãng thời gian “quá độ” hiện nay, tiếp tục phải giải quyết hai bài toán, siêu thị, trung tâm thương mại dẫn dắt thị trường còn thị trường tự do tiếp tục có vai trò to lớn trong cung ứng nguồn hàng.

Mặc dù thiếu siêu thị, trung tâm thương mại nhưng trong điều kiện khó khăn như hiện nay, phát triển chuỗi siêu thị rất khó khăn. Trong trường hợp đó, đặc biệt ở thị trường nông thôn thiếu siêu thị, trung tâm thương mại, cần phải “cài cắm” hợp tác xã mua bán tại các địa phương để đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Còn nếu mở siêu thị, trung tâm thương mại ở nông thôn, rất có thể sẽ thất bại vì sức mua trong thời điểm này có hạn.

Trước mắt và quan trọng hơn là phải “dung dưỡng” sức mua. Hướng dẫn người dân trồng rau sạch, gà sạch, đưa hàng của nông dân vào siêu thị. Tạo chuỗi cung ứng khép kín từ người nông dân đến siêu thị để người nông dân có thu nhập ổn định. Tạo lưu thông hai chiều cho hàng công nghiệp về nông thôn còn hàng nông nghiệp về thành phố…

Điển hình như vừa qua TP. Hồ Chí Minh đã làm rất tốt việc tạo nguồn hàng, đưa thẳng về các siêu thị và đã mang lại nhiều kết quả tốt. Điều đó cần được mở rộng mô hình sang các địa phương, tỉnh, thành phố khác.

Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, hàng hóa trong siêu thị, các cửa hàng, bách hóa, công nghệ phẩm hàng không thiếu, “ê hề”, chè, thuốc lá, bánh kẹo, các thực phẩm tươi sống bày bán nhiều trong các kệ.

Giá cả các mặt hàng cận những tuần gần tết sẽ có biến động, trong đó biến động mạnh nhất có 5 mặt hàng như: Thịt thăn, gà ta, giò chả, thủy hải sản tươi sống, rau, củ quả cao cấp.

Từ ngày ông Công, ông Táo cho đến Tết Nguyên đán giá sẽ bật tăng mạnh. Khả năng nếu không có đáp ứng, trong khi nhu cầu mua sắm sẽ tăng đột biến, gấp 2- 3 ngày thường, như vậy giá cả cũng sẽ tăng mạnh.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang