Gia cảnh khó khăn của thí sinh đạt 27.35 điểm trượt Học viện Quân Y

author 11:32 22/07/2017

(VietQ.vn) - Thi đỗ Học viện Quân y là ước mơ từ nhỏ của thí sinh đạt 27.35 điểm với mong muốn giúp đỡ bố mẹ một phần gánh nặng khi nhập học.

Trong căn nhà vừa mới hoàn thành sau hàng chục năm chắt bóp của bằng nghề buôn bán ve chai và làm thuê, chị Ninh vẫn chưa khỏi bàng hoàng trước tin con trai đạt 27,35 điểm thi THPT quốc gia nhưng không được xét tuyển vào Học viện Quân y vì hồ sơ không được gửi về trường.

Gia cảnh đáng thương của thí sinh đạt 27.35 điểm trượt Học viện Quân Y

"Không có nỗi buồn nào bằng việc con đã cầm cơ hội trong tay bỗng nhiên tuột mất, gia đình tôi quá sốc không còn gì tả nổi"

Được biết, mẹ thí sinh Nguyễn Viết Kiên buôn bán phế liệu, bố làm nghề thợ xây. Thi đỗ Học viện Quân y là ước mơ từ nhỏ của em với mong muốn giúp đỡ bố mẹ một phần gánh nặng khi nhập học, cũng là ước mơ "đổi đời" của cả gia đình.

Gia cảnh đáng thương của thí sinh đạt 27.35 điểm trượt Học viện Quân Y

Nguyễn Viết Kiên học tập rất chăm chỉ, 11 năm liền em đều đạt thành tích học sinh giỏi

Chị Ninh tâm sự với PV Đời sống & Pháp lý, Kiên học tập rất chăm chỉ, 11 năm liền đều đạt thành tích học sinh giỏi. Ngày em quyết định thi vào trường học viện Quân y, cả gia đình đã cố gắng bằng tất cả tinh thần và nỗ lực để em có đủ điều kiện chuyên tâm ôn thi. Chăm con hết mực, lo cho con cả ngày lẫn đêm chị Ninh mong ước rằng Kiên sẽ học tập thành tài, thi đạt kết quả tốt, sau này có công việc ổn định hơn bố mẹ.

"Những tháng ngày ôn thi, đêm nào cũng như đêm nào cháu cần mẫn ôn luyện qua đêm, cứ 2 giờ sáng tôi lại dậy pha cho cháu bát mì ăn lấy sức".

"Sau khi cháu về nhà báo với tôi con đủ điều kiện để thi rồi mẹ ạ, tôi cảm thấy rất mừng. Rồi khi cháu đi thi về nhẩm tính cũng được hơn 27 điểm tôi cũng rất vui.

Đến khi có thông báo đã có giấy báo sơ tuyển, cháu đi một mình lên huyện đội để lấy giấy báo. Khi tôi đi làm về thấy cháu nằm khóc trong nhà trong nhà, ngồi hỏi chuyện thì mới hay tin hồ sơ của cháu vẫn chưa được gửi đi...".

Ngay lập tức chị Ninh cùng con trai đi đến Ban chỉ huy quân sự huyện Mỹ Đức để tìm hiểu rõ vấn đề. Thế nhưng theo phản ảnh của gia đình sau nhiều lần ý kiến lên cấp quản lý, gia đình chị chỉ nhận được câu trả lời là "không giải quyết được".

Gia cảnh đáng thương của thí sinh đạt 27.35 điểm trượt Học viện Quân Y

Nghe những lời như "sét đánh ngang tai" người phụ nữ nhỏ bé quanh năm lam lũ với nghề buôn bán ve chai dường như ngã quỵ 

"Tôi cũng chỉ mong rằng Bộ tư lệnh Thủ đô xem xét giúp đỡ cháu Kiên được đi học tại trường học viên Quân Y theo đúng nguyện vọng của cháu", người mẹ lo lắng nói giọng mếu máo.

Chia sẻ với Zing ngày 21/7, bà Đỗ Thị Ninh (mẹ Nguyễn Viết Kiên) cho biết: Sau khi báo chí thông tin, chiều 20/7, Ban tuyển sinh quân sự huyện Mỹ Đức cử người đến gặp gia đình, nói rằng thông tin hồ sơ của Kiên không được gửi lên Học viện Quân y do em không đủ điều kiện sức khỏe (mắt cận 5 đi-ốp) chứ không phải do cán bộ quên.

Sáng 21/7, đơn vị này lại đến gặp gia đình, cầm theo giấy khám sức khỏe của Kiên để làm bằng chứng, khuyên Kiên nên lựa chọn các nguyện vọng khác.

Bà Ninh khẳng định không có chuyện cháu Kiên cận 5 đi-ốp. Bởi trước khi đi khám sơ tuyển, gia đình đã cho nam sinh đi khám sức khỏe, Kiên chỉ bị một mắt cận 2,5 đi-ốp. Cũng trong lúc sơ tuyển, một cán bộ của ban tuyển sinh huyện thông báo, sức khỏe của Kiên đạt tiêu chuẩn.

Như vậy, việc hồ sơ của Kiên không được gửi đi đang có sự vênh nhau giữa giải thích của gia đình và Ban tuyển sinh quân sự huyện Mỹ Đức.

Báo Dân Trí dẫn lời một cán bộ của Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng - thông tin: "Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa, nếu thí sinh đảm bảo sức khỏe theo quy định sẽ được đề xuất với lãnh đạo xem xét bổ sung kết quả sơ tuyển”.

Trước băn khoăn liệu có tình trạng “chỉnh sửa” hồ sơ của thí sinh sau khi có khiếu nại của gia đình, cán bộ Cục Nhà trường nói: “Chúng tôi đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, mọi việc tẩy xóa, chỉnh sửa nếu bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm".

Nữ tiến sĩ Việt chế tạo thành công sản phẩm chuyên biệt cho ung thư(VietQ.vn) - Chị luôn tự hỏi mình phải làm gì từ công nghệ nano, làm gì để cứu giúp những bệnh nhân ung thư đang khao khát sống?

Ảnh: Zing.vn, Đời sống & Pháp lý

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang