Bộ GTVT vào cuộc, 66% doanh nghiệp vận tải không giảm cước

author 09:50 20/01/2015

(VietQ.vn) - Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) bắt đầu đợt kiểm tra việc bình ổn giá dịp Tết trên toàn quốc nhất là giá cước vận tải theo cam kết của doanh nghiệp.

Giá cước vận tải, doanh nghiệp phớt lờ không chịu giảm

15/1 là hạn cuối cùng Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp (DN) vận tải phải đăng ký giảm giá cước sau khi giá xăng dầu giảm đến 30%, nhưng theo ghi nhận của PV Tiền Phong trong ngày 19/1, có đến 66% số DN vận tải tại các bến xe Hà Nội vẫn phớt lờ chủ trương trên. Bộ GTVT cho biết, đang rà soát các DN vận tải không giảm giá cước để xử lý.

Hơn 60% Doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải dù giá xăng giảm mạnh

Hơn 60% Doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải dù giá xăng giảm mạnh. Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện Bến xe Mỹ Đình đang có 140 DN vận tải hoạt động với trên 1.300 nốt/tuyến chạy về hầu hết các tỉnh Đông và Tây Bắc. Tuy nhiên, khảo sát tại bến xe này ngày hôm qua, chúng tôi ghi nhận mới chỉ có 70 DN tại bến giảm từ 5 đến 10% giá cước. Với Bến xe Giáp Bát và Gia Lâm, tình trạng này còn khiêm tốn hơn khi mới chỉ có 40 trên tổng số 110 hãng vận tải tại bến Giáp Bát giảm giá cước. Bến xe Gia Lâm có 3 trên tổng số 70 hãng giảm giá cước. Còn theo đại diện Cty Cổ phần bến xe Hà Nội, hiện 3 bến do Cty quản lý gồm Giát Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm có tổng số 320 DN vận tải hoạt động, tính đến ngày 19/1, có hơn 110 DN (34%) thông báo giảm giá cước, 210 DN còn lại (tương đương 66% số doanh nghiệp vận tải) chưa giảm giá cước.

Với 66% số DN vận tải chưa giảm giá cước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ GTVT cần thành lập đoàn thanh tra đi đến từng bến xe thanh tra các DN này. Sau đó công khai kết quả thanh tra cho nhân dân được biết chứ không nên kết luận theo kiểu “đóng cửa bảo nhau”. Công khai thông tin vừa giúp dư luận hiểu rõ vai trò quản lý của cơ quan quản lý vừa mang tính răn đe cao với DN bất tuân chỉ đạo. Theo ông Thanh, giá xăng dầu đã giảm qua các đợt vừa qua đến 30% nhưng giá cước vận tải vẫn đứng yên là không chấp nhận được.

Bộ GTVT đã cử đoàn thanh tra giá cước tại các doanh nghiệp, nắm bắt tình hình để đưa ra cơ chế quản lý.

Cước vận tải tết Ất Mùi tăng tới 60% do phụ thu

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô đã mở bán vé đi lại dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đặc biệt là tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Đáng nói, kế hoạch bán vé của hầu hết các doanh nghiệp đều tăng phụ thu từ 40 -60%, Mặc dù giá xăng dầu đã hạ xuống mức kỷ lục trong nhiều tháng qua nhưng  khi mở bán vé xe phục vụ Tết Nguyên đán 2015 sắp tới. Tại khu vực Nam bộ - điểm “nóng” về tàu xe Tết, vé xe Tết đã được mở bán nhiều ngày nay. Điều khiến hành khách bất ngờ và bức xúc là, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu, giá vé xe khách không giảm mà còn tăng mạnh.

Giá vé xe Tết Ất Mùi tăng tới 60% vì doanh nghiệp tăng phụ phi

Giá vé xe Tết Ất Mùi tăng tới 60% vì doanh nghiệp tăng phụ phí. Ảnh minh họa

Dù chưa có doanh nghiệp vận tải nào ở khu vực miền Bắc đăng ký tăng giá vé phụ thu dịp Tết nhưng vừa qua, Hiệp hội vận tải Hà Nội lại có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ chiều xe chạy rỗng. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội lý giải: “Sở GTVT Hà Nội yêu cầu huy động xe để tăng cường giải tỏa phục vụ khách, nhưng bất cập là trước và sau Tết, xe khách phải đi một một chiều, chiều ngược lại xe chạy rỗng, đơn vị vận tải bị lỗ”.

Với lý do đó, Hiệp hội đề nghị Sở Tài chính xem xét cho các đơn vị vận tải khu vực Hà Nội được trợ giá cho tuyến từ 150km – 300km với mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành. Thực chất, cái gọi là “trợ giá” chính là tăng giá vé xe đánh vào hành khách.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động GTVT năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo: “Chúng ta không thể để cước phí vận tải lộn xộn như hiện nay. Đây là điều không thể chấp nhận được. Bộ GTVT phải chủ động làm việc với Bộ Tài chính, chủ động chỉ đạo các Sở Tài chính và Sở GTVT địa phương để kiểm soát bằng được giá cước vận tải”. Theo ông Thăng, quan điểm của Bộ GTVT là để cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Bởi vậy, từ 19/1/2015, Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính bắt đầu đợt kiểm tra việc bình ổn giá dịp Tết trên toàn quốc, đồng thời kiểm tra việc giảm giá cước vận tải theo cam kết của các DN.

Phương Khanh (tổng hợp)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang