Giá điện sinh hoạt sẽ tăng vào tuần sau?

author 06:33 06/03/2019

(VietQ.vn) - Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng, lên mức 1.864,44 đồng/kWh.

Giá điện sẽ tăng vào tuần sau?

 Giá điện có thể sẽ tăng vào tuần sau.

Theo báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2019 mới đây của Bộ Công Thương: Trên cơ sở các yếu tố đầu vào, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng/số.

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện trong khoảng thời gian từ ngày 20-30/3.

Theo Thứ trưởng bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, giá điện tăng làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng thêm 0,29%, tác động rất trực tiếp đến nền kinh tế của chúng ta. Giá cả mặt hàng nào lên cũng ảnh hưởng đến CPI, ít nhiều ảnh hưởng đến GDP. Về lâu dài, chúng ta cần có ngành điện với năng lực tài chính lành mạnh để đủ sức đầu tư vào các dự án điện, để có điện cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Bộ Công Thương nêu rõ: Trên cơ sở các phương án giá điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Tổng cục Thống kê để đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Đồng thời, Bộ cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất tiêu thụ điện lớn như sắt thép, xi măng. Qua đó, Bộ sẽ xem xét, đánh giá và đề xuất với Chính phủ để điều chỉnh giá điện ở mức độ phù hợp.

Về nguyên nhân tăng giá điện, Bộ Công Thương đưa ra phân tích hàng loạt yếu tố tác động tới giá điện 2019. Cụ thể như, về các yếu tố đầu vào của giá điện 2019: Giá than nội địa đã thực hiện điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5%, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16/1 có giá cao hơn giá than nội địa, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 1.921 tỷ đồng...

Trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các chi phí nhiên liệu được Chính phủ cho phép điều chỉnh đồng bộ khi điều chỉnh giá điện như: Giá than nội địa bán cho sản xuất điện điều chỉnh bước 2 theo mức tăng theo lộ trình do Chính phủ phê duyệt. Khi đó, chi phí mua điện tăng thêm khoảng 2.230 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện, qua đó 100% nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường. Việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo thị trường này làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 5.852 tỷ đồng.

Ngoài ra, phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được tính vào giá điện.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng vừa ban hành Quyết định số 281 về việc ban hành khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Căn cứ khung giá phát điện đã quy định và chi tiết thông số nhiên liệu sử dụng tính toán khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện thực tế tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về phương pháp xác định giá phát điện và về quản lý chi phí đầu tư xây dựng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo Quyết định:

Thứ nhất, đối với nhà máy nhiệt điện than, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí cảng biển và cơ sở hạ tầng dùng chung) áp dụng cho than nhập khẩu công suất tinh 1x600 MW là 1.896,05 đồng/kWh. Mức trần của nhà máy điện chuẩn có công suất tinh 2x600MW là 1.677,02 đồng/kWh.

Các thông số nhiên liệu sử dụng tính toán giá phát điện năm 2019 bao gồm: Suất tiêu hao nhiên liệu tinh ở mức tải 85%: 0,478 kg/kWh (công suất tinh 1x600MW); 0,474 kg/kWh (công suất tinh 2x600MW). Nhiệt trị than: 4.797 kcal/kg. Giá than (chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển): 1.737.978 đồng/tấn (than nhập khẩu). Tỷ giá đồng/USD là 23.350.

Thứ hai, đối với nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/2/2019.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang