Giá điện tăng, doanh nghiệp thêm điêu đứng

author 18:17 02/07/2012

(VietQ.vn) - Giá xăng dầu giảm chưa được bao lâu thì giá điện lại tăng. Theo nhiều doanh nghiệp (DN), hàng tồn kho chưa giải phóng được, sản xuất đình đốn, chi phí lãi vay vẫn cao… việc tăng giá điện sẽ làm tăng áp lực trong sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết với DN ngành thép, giá điện hiện chiếm 6-7% giá thành sản xuất. Theo tính toán sơ bộ, để làm ra 1 tấn thép sẽ mất 600kWh, giá điện tăng sẽ làm đội giá thành sản phẩm lên ít nhất 39.000 đồng/tấn. Nếu một DN sản xuất bình quân 40.000 tấn thép/tháng, chi phí từ tiền điện đội lên 1,56 tỉ đồng/tháng. Trong khi các DN không thể tăng giá bởi sức mua quá thấp, không biết sẽ lấy gì bù đắp vào chi phí tăng thêm này.

“Nếu nhìn vào sức mua nội địa đang có nguy cơ dẫn đến giảm phát, nhiều DN đang phải chống chọi vất vả với việc “giải quyết” sản phẩm tồn kho, điều này cho thấy họ đang gặp nhiều khó khăn chồng chất. Trước tình hình này, việc tăng giá điện là đòn nặng bồi tiếp vào hoạt động kinh doanh của các DN”, ông Cường nói…

Việc tăng giá điện khiến các DN trở nên khó khăn hơn. Ảnh: internet

Tương tự, theo Hiệp hội Xi măng, 5 tháng đầu năm sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ, tiêu thụ cũng giảm 7,8%. Mặc dù giá bán danh nghĩa không giảm nhưng thực chất ngành đã phải hạ tới 10% dưới hình thức chiết khấu để kích cầu nên không còn lãi.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, cho biết giá điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất của ngành xi măng. Chưa kịp mừng vì giá xăng dầu giảm thì giá điện lại tăng, biến động này sẽ khiến DN điêu đứng. Ngành xi măng đang "sống dở chết dở", tồn kho lên tới 2 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng khiến các ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng cũng ì ạch khó sống nên việc tăng giá điện chẳng khác nào để DN dễ "chết" hơn.

“Với mức giá điện cũ, bình quân mỗi tháng công ty ông phải trả khoảng 5 tỷ đồng tiền điện. Giờ giá điện tăng thêm 5%, hằng tháng công ty phải trả thêm hơn 250 triệu đồng, chi phí quá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay”, ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn, cho biết. Theo ông Vị, giá điện tăng vào thời điểm này là bất hợp lý. Bởi vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong tháng 6 thực chất không phải do giá giảm hay năng suất sản xuất của DN tăng lên mà do hàng tồn kho quá nhiều, sức mua suy yếu.

Thậm chí, ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), cho rằng khi giá đầu vào liên tục tăng như hiện nay, DN sản xuất trong nước không chỉ mất lợi thế ở thị trường nội địa mà còn có nguy cơ mất hẳn thị trường ở nước ngoài.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng giá điện ở thời điểm hiện nay "hại nhiều hơn lợi", đó là mối lo không chỉ của người dân mà còn của nhiều DN. Để giải tỏa thắc mắc trong dư luận, ngành điện cần công khai các chi phí đầu vào, cơ cấu giá thành và lỗ lãi song song với mỗi lần điều chỉnh giá điện.

Ông Trần Hữu Huỳnh - Phó tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho rằng giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh đã đành. Nhưng chỉ tác động đến những đơn vị còn "sống" - tức là còn hoạt động, sản xuất. Thực tế, nhiều công ty hiện nay "đắp chiếu" vì không có vốn, không tiếp cận được vốn hợp lý. Phải khơi thông nguồn vốn, đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất thì mới tính tiếp đến những yếu tố khác.

TS Ngô Trí Long - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, cho biết lý do để tăng giá điện là ngành điện đang lỗ trong khi giá than tăng. Tháng 6/2012, chỉ số CPI đã giảm 0,26% so với tháng 5. Có thể nhân cơ hội này, Bộ Công thương đã đồng ý cho tăng giá bán điện thêm 5%. Nhìn vào đó thấy việc tăng giá điện có vẻ hợp lý, nhưng thực tế không phù hợp ở thời điểm hiện nay.

Tháng 6/2012, chỉ số CPI giảm thực chất không phải do năng suất sản xuất của DN tăng lên, chi phí đầu vào giảm để giảm giá bán hay do chất lượng hàng hóa giảm... mà do hàng tồn kho quá nhiều, sức mua quá yếu khiến các nhà sản xuất kinh doanh phải giảm giá bán để giải phóng hàng, chấp nhận lỗ thay vì để vốn nằm chết một chỗ. Bức tranh kinh tế còn rất u ám, DN vẫn đang gặp quá nhiều khó khăn.

Đức Thắng
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang