Gia đình một doanh nhân thành đạt

author 10:04 30/12/2013

(VietQ.vn) – “Mẹ dạy tôi biết phấn đấu từ khi còn nhỏ và tôi đã trở thành lao động chính của gia đình từ khi mới 14, 15 tuổi”…đó là khởi đầu của ông chủ một thương hiệu nổi tiếng Bảo Tín Minh Châu.

Sự kiện:

Ông Vũ Minh Châu  nổi tiếng với thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu trong đó thương hiệu “ Vàng rồng Thăng Long” rất được ưa dùng. Ông đã nhiều lần tâm sự với tôi những ý tưởng văn hóa gắn liền với thương hiệu này.

Ông mong muốn thương hiệu “ Vàng rồng Thằng Long” gắn với kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến. Mẹ ông, các anh và em của ông đều kinh doanh vàng, đều bắt đầu thương hiệu Bảo Tín lâu đời.

 Tôi biết ông là một doanh nhân văn hóa, nghệ nhân quốc gia. Một người giàu và nổi tiếng không chỉ trong làm ăn, buôn bán. Ông còn có một tập thơ và luận.  Ông nói về những chiêm nghiệm của mình trong cuộc sống. Và điều quan trong hơn, đây là những triết lý mà ông dạy con, mong muốn truyền lại cho con cháu. Định hướng cho các con nối nghiệp mình.

Gia đình doanh nhân văn hóa Vũ Minh Châu

 Việc dạy con của ông xem ra rất bài bản, dạy con những điều chính mình chiêm nghiệm được, chính mình đã lăn lộn, đã trải qua mà trong đó cái cốt lõi tôi nhận ra ấy là ông dạy các con làm người. Làm người tử tế, làm người biết biết quan tâm chăm  sóc, biết yêu thương người khác như chính những câu “ Luận” của ông.

Ông dạy con “ Lùi để tiến, biến để hiện”; ông dạy con “ Con đường ngắn nhất dẫn đến sự thành công là trung thực”; ông dạy con “ Văn hóa còn là những giá trị hy sinh mà con người dành cho nhau”; ông dạy con “ Người không có chất nhân văn không thể là người tốt”, “ Giàu mà không chia sẻ là có tội” và xuyên suốt tất cả là “ Giữ chữ tín hơn giữ vàng”. Thật chí lý!

Ông kể  “Tôi hiện có 4 người con: Cháu lớn là Vũ Phương Nam – hiện là phó giám đốc công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu; Cháu thứ 2 là Vũ Minh Tiến – Trợ lý TGĐ công ty Bảo Tín Minh Châu và là GĐ công ty CP Dưỡng Dược Bảo Sinh (công ty thuộc Tập Đoàn BTMC), hai cháu hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc quản lý công việc kinh doanh tại công ty. Còn hai cháu nhỏ hơn là Vũ Minh Tú, Vũ Minh Ngọc đang học Phổ thông. Các cháu rất ngoan và phụ giúp tôi nhiều việc.

Việc nuôi dạy con của gia đình tôi có truyền thống từ thời các cụ để lại. Ông ngoại tôi là tấm gương sáng cho mẹ tôi noi theo và phát huy về nhân cách, nhân phẩm, đạo đức, ý trí cuộc sống, triết lý kinh doanh, lẽ sống nhân văn …

Mẹ dạy tôi biết phấn đấu từ khi còn nhỏ và tôi đã trở thành lao động chính của gia đình từ khi mới 14, 15 tuổi.

Ngay từ thuở nhỏ tôi đã ý thức phấn đấu học tập  tu dưỡng và rèn luyện cho mình về “Đức, thức, sức” tức là “Đạo đức, tri thức và sức khỏe” cũng là thế chân kiềng vững chắc để thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tôi luôn dạy các con tự hào về giá trị truyền thống gia đình, giữ gìn và phát huy tốt nhất có thể. Muốn vậy các con cần tôn trọng và biết ơn những thành quả lao động, kinh nghiệm cuộc sống của thế hệ trước tạo dựng và hiểu được đạo “Hiếu, Nghĩa” để luôn lỗ lực học tập và phấn đấu xứng đáng với những gì ông bà, cha mẹ để lại. Tôi cũng rất vui vì các con đã một phần hiểu và thực hiện được câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con” và “Mẹ già ở túp lều tranh, sớm hôm thăm hỏi mới đành làm con”

Tôi nghĩ nuôi dạy con cái nên người là việc của cả đời cha mẹ. Ngay từ nhỏ, cha mẹ đã phải chỉ dạy cho con những điều đúng đắn và định hướng để các cháu khôn lớn và trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội. Câu nói của cổ nhân "dạy con từ thuở còn thơ" quả thực sâu sắc và giàu ý nghĩa. Tôi mong các cháu hình thành được nhân cách sáng ngay từ thuở nhỏ, trong đó có cả đạo làm con. Tôi hướng cho các cháu thực hiện được chữ Hiếu và chữ Nghĩa. Chữ Hiếu là để dành cho ông bà, cha mẹ và chữ Nghĩa để dành cho anh, chị, em. Con cái phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, với anh, chị, em trong gia đình phải đoàn kết, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau.

Tôi rất tâm quý trọng kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam vì vậy tôi đã mua nhiều sách và khuyến khích các con học tập và làm theo lời dạy của cổ nhân, bên cạnh đó Tôi cũng khuyên các cháu học từ những người giỏi hơn mình, từ bạn bè, đồng nghiệp… Tôi vẫn thường nói “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”

Tôi dạy các cháu luôn sẵn sàng trang bị cho mình kiến thức cần thiết và phong phú luôn làm giàu cho hành trang cuộc sống như về dinh dưỡng, ẩm thực, văn hóa, cách ăn, cách mặc và cập nhật những kiến thức và công nghệ tiến bộ của thế giới để áp dụng vào cuộc sồng và công việc. 

Tôi dạy các cháu hãy phụ giúp cha mẹ theo sức của mình từ những việc nhỏ nhất hãy cố gắng làm tốt để dần kế thừa và phát huy truyền thống nghề nghiệp, thương hiệu của gia đình. 

Hai vợ chồng ông chủ thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu

Việc chu cấp tiền cho các cháu chi tiêu cũng trong khuôn khổ để các cháu thấy được giá trị của lao động và không bồng bột làm theo những sở thích của mình mà thiếu định hướng của cha mẹ. 

Khi các cháu bước sang giai đoạn trưởng thành hơn, đó là độ tuổi có thể tham gia lao động, quản lý công việc phụ giúp cha mẹ. Việc định hướng tương lai, nghề nghiệp của con cái đã rõ ràng dần, tôi khuyên các cháu phải biết dung hòa và xây dựng tốt sáu mối quan hệ để thực hiện tốt 3 tiêu chí tạo thế chân kiềng vững vàng cho cuộc sống là “Sức khỏe, văn hóa và kinh tế”, Tôi tạm gọi đó là "thuyết 6-3" mà qua kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định rằng, nếu các con tôi thực hiện được thuyết này, các con sẽ cầm chắc thành công trong tay. Trong "Thuyết 6-3", số 6 biểu trưng cho 6 mối quan hệ và số 3 biểu trưng cho 3 tiêu chí, cụ thể.

Quan hệ với gia đình (làm trọn chữ Hiếu và Nghĩa). Gia đình có hạnh phúc thì mình mới hạnh phúc, mới sáng tạo và cống hiến cho xã hội.

Quan hệ với cộng sự. Không nên coi nhân viên với mình là quan hệ ông chủ và người làm thuê mà là cộng sự. Coi công ty như gia đình, mọi người đối với nhau như người thân. Trong công việc phải chuyên nghiệp.

Quan hệ với khách hàng. Khách hàng chính là người mang lại giàu có cho mình. Đừng biến khách hàng thành đối tượng khai thác lợi nhuận đơn thuần. Phải biết mang lợi ích đến cho họ. Bất cứ sản phẩm nào mình phải quan tâm lợi ích khách hàng. Coi khách hàng như người thân tư vấn một cách chân thành.

Quan hệ với bạn hàng, đồng nghiệp. Muốn thành công phải có bạn hàng. Coi bạn hàng là đối tác, không phải đối thủ. Triết lý của tôi trong kinh doanh là “Biến thương trường thành hội trường” (nơi đồng nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh), “Biến đối thủ thành đối tác” (mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng đều có thể hợp tác kinh doanh, cùng có lợi).

Quan hệ với xã hội. Kinh doanh phải có môi trường mà xã hội là môi trường. Mình phải tương tác tích cực với môi trường kinh doanh, với cộng đồng. Hãy chia sẻ một phần lợi nhuận kinh doanh của mình với những người gặp khó khăn, hoạn nạn trong xã hội. Điều này gia đình tôi có truyền thống từ năm 1945. Thời đó, ông ngoại tôi là môt trong những người giàu có nhất Thường Tín, Hà Tây. Trong nạn đói năm 1945, gia đình tôi mua rất nhiều xe gạo chở đến đình làng phát cho người dân; gặp những người khó khăn thì giúp đỡ... Doanh nghiệp của tôi hiện giờ thừa kế thừa truyền thống đó. Mỗi năm chúng tôi bỏ ra vài tỷ đồng làm từ thiện. Tôi nghĩ “Giàu mà không chia sẻ là có tội”. Tội ở đây là vấn đề lương tâm, chứ không phải pháp luật.

 Quan hệ với Nhà nước. Một doanh nghiệp muốn thành công, mỗi con người muốn sống bình yên thì không thể không tôn trọng pháp luật.

Bên cạnh đó muốn cuộc sống tốt đẹp, tôi luôn hướng các con  với 3 tiêu chí: Văn hóa, sức khỏe và kinh tế. Văn hóa lành mạnh; sức khỏe tốt, kinh tế ổn định sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình và bản thân mình …

Qua những điều dạy con của ông, tôi nhận thấy ông đã nêu một tấm gương cho các con mình, tấm gương về sự học, về cách sống, về cách hành xử giữa con người và con người. Và  điều mà tôi cho là rất thời sự hiện nay là phải luôn coi chữ tín là cốt lõi của mọi vấn đề. Bởi, một sự bất tín, vạn sự bất tin như ông cha mình đã từng dạy!

Dương Kỳ Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang