Giá lúa gạo tăng cao: Doanh nghiệp khóc, nông dân cười

author 06:19 04/08/2014

(VietQ.vn) - Trái với những dự báo trước đó, giá lúa gạo liên tục tăng cao trong 2 tuần vừa qua đã gây nên những tác động trái chiều cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Sau khi tổng kết hoạt động xuất khẩu lúa gạo 6 tháng đầu năm, kết hợp với những diễn biến đi xuống trong giá gạo tháng 6, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng giá lúa gạo sẽ khó mà tăng trong bối cảnh nhu cầu thế giới không đổi, cung lại vượt cầu. Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi bất ngờ và may mắn đã tạo thời cơ cho Việt Nam, giúp ta liên tiếp trúng các gói thầu xuất khẩu gạo cho thị trường châu Á, khiến thị trường xuất khẩu gạo Việt sôi động hẳn lên. Thế nhưng, bên cạnh hình ảnh vui mừng của người nông dân "được mùa, được giá", cũng là nỗi buồn của các doanh nghiệp "mua cao, bán thấp".

Doanh nghiệp: Đã kí hợp đồng nên giá lúa gạo tăng cao cũng phải chịu

Đặc thù xuất khẩu lúa gạo Việt Nam là doanh nghiệp cứ kí hợp đồng rồi mới bắt đầu thu mua, chế biến để giao cho đối tác, chứ không phải là hàng đã có sẵn trong tay. Hậu quả của cách làm mạo hiểm này là chuyện "được ăn cả, ngã về không" xảy ra như cơm bữa. Nếu như kí hợp đồng với giá cao còn khi thu mua được giá thấp thì không có gì đáng bàn, thế nhưng kí hợp đồng giá thấp như hồi đầu năm 2014 còn thu mua giá cao như hiện nay, doanh nghiệp "chết là chắc" theo như cách nói của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải chịu thiệt hại lớn vì giá lúa gạo tăng

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải chịu thiệt hại lớn vì giá lúa gạo tăng cao. Ảnh minh họa

Cách đây khoảng 2 tháng, khi giá lúa ở ĐBSCL còn thấp, nhiều doanh nghiệp suy đoán giá lúa hè thu sẽ còn tiếp tục giảm nên chưa vội mua dự trữ. Còn tới thời điểm này, những doanh nghiệp như vậy đang thiếu hàng trầm trong và phải “tung hết” lực lượng ra để mua gạo nguyên liệu, cung ứng cho các đối tác theo hợp đồng đã kí.

Ví dụ như hợp đồng cung ứng cho Philippines, theo VFA, giá gạo xuất khẩu khi đó là 370 USD/tấn. Nhưng hiện nay, giá lúa gạo trong nước tăng lên, đẩy giá gạo xuất khẩu lên 385 - 390 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp nào không mua dự trữ trước đó có thể phải chịu lỗ lên tới 15 - 20 USD/tấn, một con số không hề nhỏ khi so với sản lượng của hợp đồng.

Nông dân vui mừng vì giá lúa gạo tăng cao đúng vào vụ thu hoạch hè thu

Ngày 3-8, theo thông tin từ ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, giá lúa tại khu vực này đang tăng rất cao. Cụ thể, thương lái thu mua tại ruộng lúa hạt dài từ 5.700-5.800 đồng/kg, lúa IR50404 đạt mức khoảng 4.700-5.000 đồng/kg, tăng từ 300-500 đồng/kg so với cách đây 1 tuần và tăng từ 800-1.100 đồng/kg so với cuối tháng 6. Lúa khô được mua cao hơn từ 700-1.000 đồng/kg.

Hiện nay cũng là thời điểm nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu nên với giá thu mua này, nông dân có thể đạt lợi nhuận 30%. Nhiều người dân rất vui mừng, bán lúa ngay tại ruộng để nhanh chóng lấy tiền trang trải nợ nần, tiền vật tư nông nghiệp và chuẩn bị cho các con bước vào năm học mới.

Giá lúa tăng đúng thời điểm người nông dân đang xoay xở tiền bạc lo cho con em bước vào năm học mới

Giá lúa tăng đúng thời điểm người nông dân đang xoay xở tiền bạc lo cho con em bước vào năm học mới khiến người dân hết sức vui mừng. Ảnh minh họa

Nông dân Trần Văn Hết, ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết:“Mấy ngày qua nghe báo, đài thông tin Việt Nam trúng thầu nhiều hợp đồng xuất khẩu nên giá lúa tăng, nghe vậy ai cũng mừng. Thương lái đến tận ruộng mua lúa với giá 106.000 đồng/giạ (tương đương 5.300 đồng/kg), mua tại ruộng. Gia đình tôi mừng lắm, dù năng suất lúa do mưa làm đổ ngã nên giảm chút đỉnh. Hơn một tháng trước, giá lúa chỉ có khoảng 4.300 - 4.500 đồng/kg".

Sau tất cả những vui mừng, chán nản, quay lại với thực tế rằng thuận lợi về giá năm nay của xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ là may mắn ngắn hạn chứ không phải do chúng ta chủ động tạo nên. Hơn một phần tư thế kỉ nay, Việt Nam luôn đứng trong top các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, thế nhưng giá lúa gạo lại luôn phụ thuộc nặng nề vào thị trường, chạy theo từng diễn biến thất thường của thế giới. Với quy cách quản lý lỏng lẻo, phập phù, không có mối liên hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp, nông dân và thị trường, giá gạo của chúng ta luôn bị động còn thị trường trong nước thì không có sự chuẩn bị để phản ứng. Thế nên dù giá có tăng nhẹ hay giảm mạnh, người nông dân và doanh nghiệp cũng cầm chắc kịch bản "thua nhiều hơn thắng" trong tay.

Phan Huyền (Tổng hợp theo SGGP_KTNT)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang