Giá mía đường thấp, nông dân vất vả cầm cự cây mía

author 06:07 27/08/2014

(VietQ.vn) – Hiện nay, giá mía đường trên thị trường chỉ còn khoảng 12,500 đồng/kg, còn thấp hơn cả giá thành. Tuy vây, người nông dân vẫn đang cố gắng cầm cự với cây mía.

Nông dân sẽ tiếp tục cầm cự?

Liên quan đến việc giá mía đường trong nước giảm mạnh và thông tin nhiều hộ nông dân bỏ cây mía trong thời gian vừa qua, ông Hà Hữu Phái, chuyên gia ngành mía đường và đại diện Hiệp hội mía đường tại Hà Nội cho hay, hiện người nông dân vẫn đang cố gắng để cầm cự chứ chưa bỏ cây mía. Ông cũng nhắc tới những nguy cơ tụt hậu, những khó khăn và thách thức mà ngành mía đường Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian hội nhập tới đây.

Nông dân ngành mia đường vẫn chưa từ bỏ cây mía dù tình hình giá cả đã xuống tới đáy khó khăn

Nông dân ngành mia đường vẫn chưa từ bỏ cây mía dù tình hình giá cả đã xuống tới đáy khó khăn. Ảnh minh họa

Về thực hư chuyện người nông dân chặt bỏ mía do giá mía đường quá thấp, ông Phái cho hay, Thực tế do giá đường liên tục giảm nên giá mua mía từ người nông dân cũng giảm theo. Trong khi đó, giá đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công lại tăng lên dẫn tới tỷ suất lợi nhuận của người trồng mía giảm dần. Theo khảo sát của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận trên giá thành sản xuất mía mấy vụ qua giảm: từ vụ 2011-2012 đến vụ 2012-2013 giảm từ 50,4% xuống 33,4%; ở Đông Nam Bộ và ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm từ 36,5% xuống 24%.

Còn vụ 2013-2014 thì hiện chưa có số liệu khảo sát nhưng có thể hình dung chi phí đầu vào tiếp tục tăng nhưng giá bán mía lại giảm thì tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất mía càng thấp nữa và tình trạng nông dân ở một số nơi không còn mặn mà với cây mía cũng là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ sản xuất 2014-2015, tuy diện tích mía giảm 9.400 héc ta, nhưng diện tích mía cả nước vẫn đạt 300.000 héc ta và sản lượng đường theo kế hoạch sản xuất vẫn là 1,6 triệu tấn, bằng kết quả vụ 2013-2014.

Như vậy, theo số liệu, hầu hết nông dân trồng mía vẫn còn gắn bó với cây mía. Với dự báo cung cầu đường thế giới vụ 2014-2015 là cân bằng thì giá đường có khả năng hồi phục và điều này sẽ tạo điều kiện để các NMĐ quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cho cây mía và để nông dân có thu nhập tốt hơn.

Khó khăn nào ngành mía đường đang phải đối mặt ngoài giá múa đường thấp?

Vấn đề của ngành đường hiện nay là giá thành sản phẩm đường cao và tồn kho lớn. Giá thành cao làm cho sản phẩm đường trong nước không đủ sức cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái lan trong khuôn khổ cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới và trong nội khối Asean và tất nhiên càng không cạnh tranh được với đường nhập lậu cũng từ Thái Lan. Nếu đường nhập khẩu chính ngạch chỉ trên 70.000 tấn mỗi năm thì đường nhập lậu lên tới 300.000-500.000 tấn/năm.

Giá mía đường còn giảm, ngành mía đường còn gặp khó khăn

Giá mía đường còn giảm, ngành mía đường còn gặp khó khăn. Ảnh minh họa

Hơn nữa, tồn kho lớn làm cho các khoản nợ ngân hàng thêm chồng chất trong khi giá bán đường liên tục giảm. Hiện nay giá bán buôn đường trắng trên thị trường chỉ còn trên dưới 12.500 đồng/kg, thấp nhất trong gần 3 năm nay. Nhiều nhà máy đường chỉ hoà vốn và có lãi ít, có trường hợp thua lỗ.

Thách thức đổi mới của ngành mía đường

Tại hội nghị Tổng kết vụ sản xuất Mía đường 2013-2014 do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng các doanh nghiệp, nhà máy chế biến mía đường phải cải tổ lại sản xuất để làm sao giảm được giá thành sản xuất.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để khắc phục tình trạng này không thể trong thời gian ngắn, nhưng ngành Mía đường có thể tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng bằng cách tận dụng và chế biến sâu các phụ phẩm của cây mía. Trước hết là sẽ rà soát lại quy hoạch, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung đã gắn với các nhà máy chế biến; đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gần nhà máy đường đang canh tác không đạt hiệu quả cao mà phù hợp với sản xuất mía sẽ chuyển dịch sang trồng mía. Bên cạnh đó, ngành cũng định hướng chuyển những diện tích mía ở trên đồi cao (diện tích trồng mía tận dụng, không có khả năng cơ giới hóa) sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Ngành mía đường cần phải đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho người nông dân

Ngành mía đường cần phải đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho người nông dân. Ảnh minh họa

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở phân tích khoa học về tiềm năng, năng lực cạnh tranh của ngành Mía đường Việt Nam và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các viện, trung tâm nghiên cứu tiếp tục khảo nghiệm, công bố các bộ giống mía phù hợp, cũng như xây dựng các quy trình thâm canh cho từng giống mía phù hợp với từng địa phương để nhà máy áp dụng.

Ngoài ra, theo ông Hòa, bước vào niên vụ 2014-2015, nguồn cung đường ở tình trạng vượt cầu, Hiệp hội Mía đường và các công ty đường cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, đảm bảo cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường đường trong nước; đồng thời nghiên cứu thị trường, xây dựng ngay phương án, kế hoạch xuất khẩu đường năm 2015; hay kiến nghị với Chính phủ các giải pháp và cơ chế điều hành, chủ động xuất khẩu lượng đường dư thừa.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang