Giá nhân công Việt Nam có thực sự rẻ?

author 16:40 10/05/2013

(VietQ.vn) - Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng trầm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thành phần kinh tế.

Các doanh nghiệp, dù ở bất cứ quốc gia nào buộc phải cắt giảm tối đa các chi phí để vật lộn sống sót trong cơn khủng hoảng, trong đó đặc biệt quan trọng là chi phí nhân công.

Mục tiêu này đã khiến nhiều “ông chủ” doanh nghiệp phương Tây hướng tới thị trường châu Á với kỳ vọng phí nhân công sẽ “mềm” hơn như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Việt Nam… Tuy nhiên, sự kỳ vọng này của các “ông chủ” doanh nghiệp vấp phải khá nhiều sự khó khăn.

Người thuê nhân công từ chối trả thêm, thậm chí là một xu

Với chính sách tăng cường thu nhập và tiêu dùng trong nước, Trung Quốc đang chiếm phần lớn tỷ trọng tăng lương tại châu Á. Mức lương lao động Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, thậm chí cả ở những khu vực nông thôn. Trước tình hình này, nhiều ngành công nghiệp tập trung đã tính đến chuyện chuyển khu vực sản xuất sang các quốc gia khác như Bangladesh, Campuchia, Indonesia và Việt Nam với hi vọng mức chi phí nhân công sẽ rẻ hơn.

Theo tờ Bangkok Post, mức lương lao động tại Indonesia đã tăng lên 40%. Ông Purnomo Narmiadi, chủ tịch Hiệp hội sử dụng lao động tại thị trấn công nghiệp Bekasi, Indonesia, đồng thời là giám đốc của nhà máy may mặc và sản xuất giày cho hay: “Người thuê nhân công từ chối trả thêm, thậm chí là một xu.

Những ông chủ nói rằng họ sẽ chuyển sang ký hợp đồng với các công ty Việt Nam. Thế nhưng, nếu như họ chuyển sang đối tác Việt Nam thì ít nhất trong năm nay, họ cũng đừng mong rằng có thể mặc cả được mức lương”.

Mới đây tờ The Richest đã đưa tin, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có giá nhân công rẻ nhất thế giới với 0,39 USD/giờ. Dựa trên mức công bố này, mức lương lao động Việt Nam sẽ là 1,687 triệu đồng/tháng/ngày (với ngày làm việc 8 tiếng và 26 ngày mỗi tháng).

Mức lương theo như The Richest đưa ra tương đương với mức lương tối thiểu áp dụng trong các doanh nghiệp tại vùng 4, địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa, kém phát triển nhất. Mức lương tối thiểu là mức sàn được đưa ra nhằm bảo vệ những lao động yếu thế trong điều kiện làm việc bình thường giản đơn nhất, và là căn cứ để tham gia đóng BHXH.

Tuy nhiên, mức thu nhập của lao động được tính bằng lương hàng tháng cộng thêm các khoản làm thêm giờ hoặc ngoài giờ của người lao động. Và thực tế, mức lương nhân công của Việt Nam không hề rẻ như thông tin mà The Richest đã đưa.

So với công bố của The Richest, mức chi phí nhân công mà các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang phải chi trả có sự chênh lệch đáng kể. Theo cuộc khảo sát tiền lương của Tổng liên đoàn Lao động tại một số tỉnh thành cùng kỳ năm ngoái cho thấy, tổng thu nhập trung bình của người lao động là 3,623 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập thực tế của người lao động tại các thành phố lớn (vùng 1) là 4,232 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,787 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,495 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,001 triệu đồng/tháng.

Một giám đốc trong ngành may mặc của Việt Nam cũng cho biết “Tất cả những doanh nghiệp có ý định thuê nhân công đều phải chấp nhận trả mức lương cao hơn trước. Lợi nhuận của chúng tôi đã giảm đi đáng kể, khi 65% lợi nhuận dành cho việc chi trả lương nhân công, trong khi đó con số chỉ là 50% so với 5 năm về trước”.

Thậm chí, theo xu hướng hiện nay, mặt bằng lương tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, kéo theo giá nhân công cũng sẽ tăng lên. Dẫu vậy, lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ của Việt Nam cũng đang có xu hướng không giảm.

Thanh Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang