Giá nhãn lên cao vì mất mùa

author 06:43 30/07/2014

(VietQ.vn) – Nhãn đang vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng giảm mạnh vì mất mùa ở nhiều địa phương miền Bắc khiến cho giá lên cao và cũng vì tư thương ra sức ôm hàng.

Nhãn vào vụ thu hoạch nhưng giá cao, ít hàng

Nhãn vào vụ thu hoạch nhưng giá cao, ít hàng. Ảnh: X. H

Mùa thu hoạch nhãn đang vào cao điểm. Những vườn nhãn trĩu quả năm nay ít thấy vì mất mùa ở nhiều địa phương miền Bắc. Nhãn thu hoạch được chỉ đủ bán lẻ ra thị trường. Một số vườn nhãn hàng chục, hàng trăm gốc, sản lượng cũng không cao, chỉ vài tạ, vài tấn nhưng đều được các lái buôn ôm hàng từ trước. Ở một số địa phương có nhãn ngon như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… sản lượng cũng giảm bằng một nửa so với năm trước.

Theo chị Nguyễn Thị Đức quê ở Khoái Châu – Hưng Yên, bán trái cây tại phố Đại La cho biết, năm nay mua nhãn khó, hàng đẹp rất đắt, bán ra không lãi là mấy. Hàng loại 2 giá mềm hơn những cũng đắt gấp 2 hoặc gấp 3 lần năm trước. Lý giải cho việc giá nhãn tăng cao, chị Đức cho biết, năm nay khi nhãn trổ hoa, mưa liên miên nên không đậu trái. Khi có trái rồi lại bị bọ xít nhiều nên quả cũng không lớn được. Một số vườn nhãn nhiều quả là do đã đậu trái trước khi mưa hoặc qua những trận mưa rồi nắng nhãn mới bung hoa và đậu trái. Nhiều nhà có nhiều gốc nhãn ở Hưng Yên còn kích thích nhãn ra trái nhiều bằng cách phun các kích thích tố tăng trưởng và đậu quả nhưng sản lượng cũng không đạt như mong muốn.

“Năm trước, vào vụ nhãn, giá chỉ khoảng 20.000 -25.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, vào vụ rồi mà giá vẫn ở mức 40.000 đồng – 45.000 đồng/kg. Nhãn cũng không đẹp quả, cùi mỏng và nhạt nước”, chị Đức cho biết.

Theo chị Đức, để chọn được loại quả to đều, sáng và được nước, chị thường phải ra Long Biên đón xe dưới quê lên từ rất sớm. Có khi từ 1 -2 giờ sáng, sau đó chọn những mớ nhãn ngon, đẹp đầu tiên về bán lại. Mỗi kg chỉ lãi được khoảng 5.000 – 7.000 đồng. Số lãi này đa phần là bù cho sức khỏe và xăng xe, gọi là lấy công làm lãi.

Giá nhãn quả đắt đỏ, sức mua không cao

Do giá nhãn cao nên người mua chỉ mua số lượng nhỏ, quả đẹp. Ảnh minh họa

Theo khảo sát của PV, trên các tuyến phố như Nguyễn Phong Sắc kéo dài, đường Phạm Hùng, Cầu Diễn, Nguyễn Trãi những xe máy, xe đạp thồ nhãn đứng bán ở vỉa hè, lòng đường cũng không nhiều như năm trước. Những người này vừa bán vừa chạy cảnh sát giao thông và theo họ, nhãn bán tầm 40.000 đồng/kg, chỉ được lãi vài ba ngàn đồng. Nhưng nếu cảnh sát giao thông túm được, chắc đi “tong” cả xe nhãn và còn phải nộp phạt nhiều.

Còn tại các khu chợ của Hà Nội như Thành Công, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, chợ Bưởi, Cầu Lủ, chợ Xanh (Định Công), chợ Xanh (Mai Dịch)… giá nhãn ổn định ở mức cao từ đầu tuần đến nay và ở mức khoảng trên dưới 40.000 đồng/ kg.

Tại một số chợ Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Phổ Yên (Thái Nguyên), Chợ Bầu (Phủ Lý – Hà Nam), nhãn bán nhiều nhưng đa phần nhãn cùi mỏng, hạt to. Giá giao động trong khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg. Vì giá cao nên theo các tiểu thương, sức mua chậm. Ngày lễ bán dễ hơn, còn các ngày thường chỉ bán được khoảng “1 yến” nhãn.

Chị Lê Thị Tú ở Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, buôn nhãn gần chục năm nay, chưa năm nào chị thấy khó mua nhãn như năm nay. “Về tận Hưng Yên để tìm mua nhãn lồng nhưng năm nay hàng hiếm và khó mua”, chị Tú nói.

Ngoài ra, chị Tú còn cho biết, nếu mua cây hoặc mua cả vườn, nhãn vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, khi bán ra thị trường sẽ vào khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Nhãn rời, bán từ 50.000 -60.000 đồng/kg.

Theo Hội Nhãn lồng Hưng Yên, những năm như 2012, 2013, tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh đạt trên 40.000 tấn, doanh thu 300 tỷ đồng. Nhãn lồng Hưng Yên có 3 giống nhãn chính đầu dòng đã được chọn tuyển là: Đường phèn, Hương Chi và Khoái Châu. Trong 3 giống nhãn trên, mỗi giống có một ưu điểm riêng về năng suất và chất lượng. Nếu như nhãn Hương Chi ra hoa được ở cả 3 trà sớm, chính và muộn nên năng suất cao thì nhãn Khoái Châu quả to, cùi dầy, ít nước cộng lợi thế chín muộn nên đầu ra, giá bán rất cạnh tranh và nhãn Đường phèn là loại nhãn quả nhỏ, song vị rất ngọt, có mùi thơm mát, năng suất ổn định. Năm nay các loại nhãn nói trên và nhãn lồng sản lượng giảm mạnh hơn so với năm trước.

Cũng thời điểm này, các lái buôn đang ra sức gom nhãn để làm nhãn khô, lấy long bán đi Trung Quốc. Các loại nhãn khác từ các tỉnh miền Tây, miền Nam hoặc “nhãn Thái Lan” quả to, mọng nước vẫn được đẩy mạnh đưa về Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

 

 

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang