Giá như địa phương nào cũng tổ chức giao ban báo chí như Hà Nội

author 18:17 05/12/2014

(VietQ.vn) - Từ ngày Hà Nội tổ chức họp báo Thành ủy, cánh phóng viên báo chí thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận thông tin với các sở ban ngành thủ đô.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam về quá trình triển khai tổ chức hoạt động họp báo Thành ủy, ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, hoạt động trên bắt đầu từ khoảng năm 2000, ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thời kỳ đó có một hội nghị do Thành ủy Hà Nội chủ trì về báo chí. Sau hội nghị, Thành ủy ra chỉ thị số 25 về “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí, xuất bản Hà Nội”, trong đó có nội dung về việc cung cấp thông tin cho báo chí.

ông phan đăng long, phó ban tuyên giáo hà nội

Ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Người thường xuyên chủ trì giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Cường

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng giao cho Ban Tuyên giáo phối hợp với Sở Văn hóa Thông tin cùng Hội Nhà báo để hàng tuần tổ chức giao ban, cung cấp thông tin cho báo chí. Hoạt động này đã được duy trì hàng tuần. Đầu tiên là tổ chức vào thứ sáu, nhưng suy đi tính lại thì thấy không hợp lý, vì hết thứ sáu là thứ bảy, ngày cuối tuần nhiều cơ quan báo chí đều nghỉ. Hơn nữa, vào ngày cuối tuần thì cũng rất ít người đọc nên thông tin sẽ mất đi tính thời sự. Sau đó lại chuyển vào chiều thứ hai. Tuy nhiên, chiều thứ hai lại trùng với lịch họp của Thành ủy và cuối cùng chuyển vào chiều thứ ba hàng tuần.

“Sau cuộc họp chiều thứ hai của Thành ủy sẽ có những chỉ đạo mà báo chí cần phải nắm bắt. Hơn nữa, trong sáng thứ ba thì Trung ương giao ban, chiều Hà Nội cũng giao ban. Kết hợp giữa giao ban báo chí Trung ương và Thành phố nên có nhiều thuận lợi cho báo chí”, ông Long cho biết.   

Có thể nói, từ ngày Hà Nội tổ chức giao ban báo chí hàng tuần, theo đánh giá của anh em phóng viên, hoạt động trên đã giúp ích rất nhiều cho phóng viên trong việc tiếp cận với các vị quan chức Thành phố.

Bởi bình thường, khi có sự việc xảy ra tại một địa phương hoặc một ngành của Thành phố, phóng viên phải rất vất vả mới tiếp cận được người phát ngôn. Đôi khi, nhiều vị vì muốn né tránh nên tìm mọi cách “phớt lờ” phóng viên.

Thế nhưng từ ngày có giao ban báo chí Thành ủy, tình hình trên đã được cải thiện rất nhiều. Chắc hẳn phóng viên nào đi họp báo Thành ủy cũng biết, tại buổi giao ban, lãnh đạo địa phương hoặc Sở ban ngành nào có mặt cũng “phải” trả lời đầy đủ, cụ thể các nội dung mà phóng viên hỏi. Đã đến đây, các vị không muốn cũng phải trả lời, nếu không sẽ bị cho là “yếu kém về chuyên môn” hoặc cố tình né tránh.

Việc họp giao ban đã giúp cho thông tin đến với báo chí và người dân nhanh hơn, cụ thể hơn, góp phần giải quyết nhanh nhiều vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc.

Để làm nên thành công đó, không thể không kể đến công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người khởi xướng cho hoạt động trên.

Hiện nay, chủ trì họp báo là ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, một người được cánh báo chí đánh giá rất cao bởi kiến thức uyên thâm của ông về nhiều lĩnh vực.

Ông Long cũng là người thẳng thắn, dễ gần. Mọi băn khoăn của phóng viên đều được ông trả lời thỏa đáng. Nếu không đủ thời gian, ông Long luôn sẵn sàng gặp trực tiếp phóng viên để giải đáp. Có những khi phóng viên gọi cho ông nhưng ông đang bận thì chỉ ít phút sau, đã thấy số điện thoại của ông Long hiện trên điện thoại. Với quan điểm cá nhân của một phóng viên, tôi cho rằng rất ít vị lãnh đạo làm được như ông Long - Phó Ban Tuyên giáo.    

Trong cuộc trò chuyện tối ngày 4/12, tôi được biết hết năm 2014 này ông Phan Đăng Long sẽ về nghỉ hưu. Đây quả thực là một tin buồn cho anh em báo chí, bởi khi ông không còn chủ trì giao ban báo chí nữa, liệu người khác lên có “dễ chịu” với cánh báo chí như ông hay không?

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang