Giá nước sạch tăng cao chỉ khổ người thu nhập thấp

author 07:22 29/09/2013

Từ 01/10/2013, giá nước sạch ở Hà Nội sẽ tăng, đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, sinh viên... sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Quy định tăng giá nước sạch của TP. Hà Nội có hiệu lực, nhưng từ nhiều ngày nay, nhiều chủ nhà trọ gần các trường cao đẳng, đại học tại các quận huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Xuân, Cầu Giấy… đã thông báo cho sinh viên, người thuê trọ về đợt tăng giá nước sạch. Thậm chí có những chủ nhà trọ không cần đợi đến ngày 1-10 mà đã tự động tăng giá nước.

Giá nước sạch tăng sẽ gây không ít khó khăn cho người thu nhập thấp. Ảnh minh họa

Có thể việc Hà Nội  tăng giá nước sẽ không làm người tiêu dùng phàn nàn, lo lắng gì nhiều. Bởi khoản chi phí này chiếm một phần rất nhỏ trong tổng chi của các hộ gia đình (như tiền điện, điện thoại, gas...). Thế nhưng trong khi giá cả hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác liên tục tăng thì đối tượng “lãnh đủ” hệ quả chi phí tiền nước tăng là người nghèo, người thuê trọ, nhất là đối với những người không có thu nhập như học sinh, sinh viên. Với những người nghèo, người thu nhập thấp, thông tin giá nước tăng đã khiến người lo lắng, tính đi tính lại khoản ngân sách còm cõi của mình.

Hiện tại, vợ chồng anh chị Hồng - Hoan thuê một căn phòng gần 30m2 khang trang ở Cầu Giấy. Mỗi tháng vợ chồng trẻ này phải chi hơn 5 triệu đồng vào tiền thuê nhà, điện, nước. “Giá phòng 3,5 triệu đồng, điện 5.000 đồng mỗi số, nước 25.000 đồng một khối. Chỉ riêng 3 khoản này đã ngốn hết toàn bộ tháng lương của tôi. Chúng tôi lại sắp có con, thật chẳng thể dư ra đồng nào” - chị Hoan nhẩm tính. Nay với cách tính của nhà trọ - điện tính gấp 3, nước gấp 2 mức giá hiện hành thì gia đình chị sẽ phải chi thêm gần 500.000 đồng mỗi tháng.

Đấy là còn có để mà tính. Còn để gồng gánh tiền thuê nhà, tiền học phí, tiền điện, nước, không ít sinh viên nghèo không thể có thêm “viện trợ” từ các bậc phụ huynh chỉ còn cách phải cắt giảm mọi chi tiêu, ăn uống để tiếp tục theo học. Hương Lan, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, ở trọ tại quận Cầu Giấy cho biết: Tuy giá nước sinh hoạt vừa qua là 4.000 đồng/m3, nhưng từ nhiều năm nay chúng em thuê trọ đã phải trả 60.000 đồng tiền nước/người/tháng. Sắp tới giá nước tăng thì chắc chắn tiền nước mỗi tháng chúng em phải trả cho chủ nhà trọ sẽ lên tới 80.000 - 90.000 đồng. Tiền điện hiện tại chúng em cũng phải trả là 4.500 đồng/số.

Tình trạng tương tự giống như hàng nghìn sinh viên ĐH Xã hội nhân văn, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kiến trúc, người lao động nghèo ở trọ tại thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm. Ở đây, các chủ nhà trọ đã đẩy giá nước lên tới 20.000 đồng/m3, hoặc 100.000 đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Anh Tuấn trọ nhà ông Xuân Khương (ngõ 187, Phùng Khoang, Trung Văn), cho biết: “Từ hai tháng nay, lấy lý do giá nước tăng, chủ nhà trọ đã thu thêm 10.000 đồng/người/tháng. Nếu cộng cả đợt tăng giá nước mới đây, thì chúng tôi phải trả 100.000 đồng/người/tháng”.

Anh Đoàn Văn Doan, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết: “Chúng em là sinh viên đi học suốt ngày, chỉ tối về tắm giặt thôi, vậy mà, chủ nhà trọ đã thu tiền nước sạch là 60.000 đồng/người/tháng, và đến nay thu lên 70.000 đồng/người/tháng. Nay giá nước tăng thì chắc phải chi gấp đôi…”. Không thể chuyển đi chỗ khác, anh sinh viên năm thứ 3 đành ngậm ngùi chấp nhận mỗi tháng sẽ phải chi thêm cả trăm nghìn đồng.

Điều đáng nói là đợt tăng giá nước lần này, TP Hà Nội cho phép tăng 80% so với mức đề nghị của doanh nghiệp. Cụ thể, mức tăng đối với nước sinh hoạt là 19,93% (tăng từ 3.478 đồng lên 4.172 đồng/m3), và nước kinh doanh là 35,48% (tăng từ 10.434 đồng lên 14.137đồng/m3). Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hằng, Trưởng Ban giá của Sở Tài chính Hà Nội, đối với tất cả các chủ nhà trọ, Sở Tài chính không áp dụng mức tính giá nước kinh doanh. Do vậy, theo bà Hằng, các chủ nhà trọ không được thu tiền quá mức quy định của Sở Tài chính.

TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa tăng giá nước sạch. Ảnh minh họa

Thực tế, tìm hiểu một số khu vực như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Chùa Láng, Kim Mã thấy trong việc tăng giá nước (trước đó là giá điện) thì đối tượng chịu tác động nhiều nhất là những người ở trọ, luôn phải chịu mức giá cả do chủ nhà đưa ra với một lời giải thích đơn giản: “Nhà nước tăng giá thì chúng tôi cũng tăng thôi”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, Công ty chưa bao giờ thu giá nước sạch theo cách tính kinh doanh đối với người thuê nhà trọ. Trước đây sau khi báo chí phản ánh một số chủ nhà trọ thu tiền của người thuê nhà cao hơn nhiều mức quy định của công ty, chúng tôi đã cho Phòng Kinh doanh đi kiểm tra và đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp. Nếu các chủ nhà trọ tùy tiện thu giá nước cao hơn mức quy định, Công ty đề nghị chính quyền xã phường xử lý nghiêm các chủ nhà trọ. Thậm chí, đã có những chủ nhà trọ tái phạm nhiều lần, chúng tôi cùng chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản tạm thời ngừng cung cấp nước.

Dù phương án tăng giá nước theo lộ trình 3 năm để đảm bảo giá nước không thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của người dân, tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp cấp nước. Nhưng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp các chủ nhà trọ cố tình thu tiền nước quá cao so với mức quy định của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cũng cần thấy tỷ lệ thất thoát nước hiện nay lên tới 30% là con số đáng suy nghĩ. Theo Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội, năm 2012 toàn thành phố có 209.435 hộ dân được cấp nước sạch sinh hoạt (tăng 46.541 hộ so với năm 2011). Tuy nhiên tỷ lệ thất thoát nước quá cao. Ở nhiều nơi trong thành phố vẫn còn hiện tượng hệ thống ống dẫn bị vỡ, rò rỉ, nước chảy lênh láng hết ngày này qua ngày khác gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh, nhưng không có cán bộ ngành nước đến sửa chữa khắc phục, gây lãng phí lớn. Nếu như công ty khắc phục giảm thiểu được tình trạng này để “bịt” hết những “lỗ hổng” lãng phí thì rõ ràng, sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ, không cần đến việc tăng giá nhiều đến như vậy.

Theo ANTĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang