Nông dân thắt lòng vì ‘trồng rau màu bán Tết như đánh bạc với thời tiết’

author 11:09 27/01/2016

(VietQ.vn) - Rét đậm, rét hại kéo dài khiến rau xanh tăng giá chóng mặt. Tuy nhiên, cũng chính thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc lại dẫn đến việc thiếu rau bán Tết.

Đợt rét đậm, rét hại kỷ lục trong mấy ngày qua khiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt, trong đó có các sản phẩm rau củ quả. Trước tình hình ‘khát’ rau xanh như hiện nay, các địa phương trên cả nước đang khẩn trương chuẩn bị nguồn rau củ quả để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc trong những ngày này lại khiến người nông dân rơi vào nghịch cảnh không có hàng bán dù giá rau xanh đang tăng cao.

Rét đậm rét hại đẩy giá rau xanh lên cao nhưng đồng thời cũng khiến hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng

Rét đậm rét hại đẩy giá rau xanh lên cao nhưng đồng thời cũng khiến hoa màu bị thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Trồng rau bán Tết như đánh bạc với thời tiết

Tại cánh đồng rau xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), dù trời rét căm căm, gió thổi lồng lộng, xen lẫn mưa bụi, người trồng rau vẫn cặm cụi ngoài đồng, dùng túi nilong phủ lại từng luống rau. Chia sẻ với báo Tiền Phong giữa cái rét cắt da cắt thịt, anh Nguyễn Văn Đức (thôn Phương Tiến, xã Song Phương) cho hay, để kịp thu hoạch rau vào Tết, người dân trồng vào đầu tháng 10 âm lịch. Theo dự định, rau sẽ thu hoạch vào khoảng 20 tháng chạp để đưa về các chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết cho người dân. Tuy nhiên, đợt rét đã phá hỏng mọi dự định.

“Trồng rau màu bán Tết như đánh bạc với thời tiết. Ba năm nay, người trồng bắp cải lỗ vốn vì trời rét bất thường. Giá bán 1kg bắp cải rẻ bằng nửa tiền mua cây giống. Trời rét đậm trước Tết, rau không kịp thu hoạch, e rằng lại cảnh rau rẻ không ai mua, cho cá cũng không thèm ăn như mọi năm. Trong khi trước Tết, giá rau xanh tăng cao thì không có rau để bán”, anh Đức nói.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thúy, người trồng rau ở Lĩnh Nam (Hoàng Mai) cho biết: “Qua đêm, gió thổi mạnh, luống rau nào bị lật túi nilong là héo úa, hỏng hết, tôi phải đi kiểm tra thường xuyên. Tết này chỉ trông vào mấy sào rau, lơ là, rau hỏng là mất tết”. Theo chị Thúy, trời rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp khiến nhiều gia đình không kịp trở tay nên lượng rau bị hỏng khá nhiều. Nguồn cung rau xanh vào Tết sẽ không dồi dào, đa dạng và tươi ngon được như mọi năm. Để rau có sức đề kháng với giá rét, người trồng rau tăng cường tưới nước và phân bón.

Nghịch cảnh không có rau bán dù giá rau củ quả đang tăng khiến người nông dân chỉ biết thở dài

Nghịch cảnh không có rau bán dù giá rau củ quả đang tăng khiến người nông dân chỉ biết thở dài. Ảnh nongnghiep.vn

Cùng chung cảnh ngộ trên là những người trồng rau tại các vùng rau quanh Hà Nội như Vân Nội (Đông Anh), Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Hoài Đức, Quốc Oai… Nghịch cảnh giá rau tăng nhưng cũng không lời lãi nhiều vì trời lạnh, rau không phát triển được khiến người nông dân chỉ biết thở dài. “Chúng tôi vừa bán hết lứa rau thì trời trở lạnh. Rau cũ hết rồi, lứa sau chưa kịp lớn nên không có hàng bán trong những ngày giá rau xanh tăng cao”, chị Nguyễn Thị Thu, người trồng rau ở Vân Nội (Đông Anh) ngậm ngùi.

Miền Bắc thiếu hụt rau củ trong đợt rét kỷ lục

Trao đổi với báo Sài Gòn Giải Phóng về tình trạng giá rau xanh đang tăng cao nhưng người nông dân không có rau để bán, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện cả nước có khoảng 172.000ha rau với tổng sản lượng khoảng 3 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường cả nước. Thế nhưng, đợt không khí lạnh dị thường và lập kỷ lục lịch sử bất ngờ xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân miền Bắc.

Các cơ quan chức năng hiện đang thống kê thiệt hại tại các vựa cung cấp rau xanh như Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) gần như mất trắng do bị băng tuyết phủ, nhiệt độ dưới 0°C kéo dài nhiều ngày. Chỉ riêng tại tỉnh Lào Cai, đến ngày 26/1 đã có gần 3.000ha hoa màu bị chết. Tại khu vực đồng bằng sông Hồng, kể cả các khu vực quanh Hà Nội như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang… nhiệt độ cũng giảm xuống 7°C - 8°C, kèm mưa rét, nên năng suất và sản lượng rau củ giảm rõ rệt.

Hiện giá rau xanh ở miền Bắc tăng khoảng 10 – 15% giữa lúc rét đậm rét hại kéo dài

Hiện giá rau xanh ở miền Bắc tăng khoảng 10 – 15% giữa lúc rét đậm rét hại kéo dài. Ảnh Tuổi Trẻ

Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT) đã có công văn gửi các địa phương về việc trích quỹ dự phòng và hỗ trợ giống, phương tiện phòng chống rét đậm, rét hại để hỗ trợ bà con mau chóng phục hồi sản xuất rau màu, thực phẩm cho thị trường Tết. 

Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung có thể khan hiếm, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Vũ Văn Tám cho biết đã chỉ đạo sở chuyên ngành tại hai thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn là Hà Nội và TP. HCM tổ chức các điểm giới thiệu rau xanh sạch có gắn xác nhận của cơ quan chức năng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn. Đồng thời, các địa phương cũng cần tuyên truyền và cổ vũ các doanh nghiệp sản xuất sạch để giới thiệu tới người tiêu dùng biết và yên tâm sử dụng.

Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lại đánh giá, cuối năm nhu cầu thực phẩm tăng cao trong khi thời tiết ở miền Bắc xuất hiện rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sản xuất, cung ứng rau màu nên giá rau củ quả, chủ yếu là rau xanh tăng từ 10% - 15% nhưng cơ bản vẫn cân đối đủ.

Lan Anh (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang