Giá sữa có giảm như mong đợi?

author 07:20 16/06/2014

(VietQ.vn) – Liệu giá sữa có giảm như mong đợi của người tiêu dùng khi mà vẫn còn nhiều nhãn sữa cũ biến mất khỏi kệ, thay vào đó là những nhãn hàng mới với giá cao hơn?

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Áp trần giá sữa, nhiều nhãn hàng cũ biến mất khỏi kệ

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, gần đây một số nhãn sữa nằm trong danh sách áp trần của một vài hãng sữa biến mất khỏi quầy kệ, thay vào đó là các nhãn mới với mức giá khá cao.

Cách đây không lâu, đại diện Hãng Mead Johnson (đơn vị phân phối mặt hàng Enfamil và Enfagrow A+) vừa cho ra mắt dòng sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus. Mead Johnson và khẳng định đây là dòng sản phẩm hoàn toàn mới chứ không phải để lách luật, tăng giá.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại lý, các sản phẩm mới bán cao hơn dòng sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g. Ví dụ, sản phẩm sữa Enfamil A+1 được bán với giá 555.000 đồng/lon 900g thì sản phẩm mới là Enfamil A+ 360* Brain Plus lại được bán với giá 605.000 đồng/lon.

 

Các nhãn sữa cũ đã bị thay thế bởi các loại sữa mới có giá cao hơn

Các nhãn sữa cũ đã bị thay thế bởi các loại sữa mới có giá cao hơn (Ảnh minh họa)

Bên cạnh các dòng sản phẩm nằm trong danh mục áp giá trần, một số sản phẩm nằm ngoài danh mục cũng không còn được sản xuất.

Tại các siêu thị, việc thông báo về giá trần bán sỉ gần như cũng đã hoàn tất. Đại diện hệ thống Co.op Mart cho hay đã nhận được thông báo của Vinamilk, theo đó có tới 49 nhãn sữa bột được thực hiện bán với giá mới.

Đại diện Lotte Mart cho biết từ ngày 11-6, tất cả sản phẩm sữa nằm trong danh mục áp trần giá đã được thực hiện bán giá mới. Ông Hồ Quốc Nguyên, đại diện truyền thông Big C, cũng cho biết, hiện nay hầu hết sản phẩm sữa đang bán tại siêu thị đã thực hiện đúng theo quy định về giá trần.

Theo ông Chiến, hiện nay Sở Tài chính đang nắm bắt rất rõ giá thành nguyên liệu, các loại chi phí, lợi nhuận của các doanh nghiệp nằm trong thẩm quyền quản lý giá của đơn vị. Vì vậy, đến thời điểm áp giá trần mà đơn vị nào bán giá cao hơn cho phép sẽ xử lý theo quy định về quản lý giá.

Giá sữa bán lẻ sẽ khó giảm như mong đợi?

Mặc dù thực hiện khá nghiêm túc quy định của Bộ Tài chính nhưng liệu giá sữa có giảm đúng như mong đợi hay các doanh nghiệp lại tiếp tục lách luật và tăng giá sữa vô tội vạ? Đến lúc nào người tiêu dùng mới an tâm đi mua sữa cho con?

Cũng theo thông tin mới nhất trên báo Đại đoàn kết, giá sữa bán lẻ sẽ khó giảm như mong đợi.

Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đang hạ từ 0,53% đến 3,94%, các hãng sữa đã điều chỉnh giá bán buôn mặt hàng sữa. Liệu giá bán lẻ sữa ngày 21-6 tới có được giảm tương ứng hay không?

Người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, là giá sữa liệu sẽ giảm ra sao, ở mức nào. Thị trường sữa có đến 800 mặt hàng sữa nhưng chỉ áp trần bán buôn với 25 sản phẩm sữa.

Thị trường sữa cũng có hàng trăm đại lý kinh doanh và hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ bán lẻ, kiểm soát giá bán lẻ như thế nào để luôn đảm bảo, mức giá bán lẻ không được phép cao hơn 15% so với giá bán buôn nếu như cơ chế kiểm soát, thanh tra không sát sao.

 

Liệu giá sữa có giảm đúng như người tiêu dùng mong đợi

Liệu giá sữa có giảm đúng như người tiêu dùng mong đợi (Ảnh minh họa)

Nhiều vấn đề đặt ra: Liệu các cơ quan quản lý có kiểm soát được ở tầm vi mô, chi ly trên từng địa bàn. Kiểm soát giá bán buôn có thể hoàn thành nhưng cơ quan quản lý có thể lúc nào cũng đi kiểm tra từng sản phẩm tại từng ngõ, hẻm.

Về phía người tiêu dùng, cơ chế nào để xác minh giá bán lẻ mà cửa hàng đưa ra chuẩn phù hợp so với giá bán buôn.

Trong khi đó, tính đến ngày 13-6 Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã nhận được hồ sơ đăng ký giá sữa của bốn doanh nghiệp (Mead Johnson Việt Nam, Nestle Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam và Công ty Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott) với tổng số 141 sản phẩm. Cục Quản lý giá đã công khai các mức giá này.

Trong số 141 sản phẩm được công khai mức giá trần có sản phẩm sữa Enfagrow A+4 hộp 400g có giá thấp nhất là 145.497 đồng/hộp, và mức giá cao nhất là sản phẩm Enfagrow A+3 360 Brain Plus 1.800g với mức giá là 699.435 đồng/hộp.

Như vậy, với cơ chế đang bán hàng như hiện nay, dường như người tiêu dùng cũng chỉ trông vào sự thành thật của nhà buôn. Đây cũng chính là thực tế lý giải tại sao cùng một sản phẩm sữa nhưng tùy vào vị trí, tùy vào từng cửa hàng sẽ có các mức giá khác nhau.

Nhiều dẫn chứng cũng dẫn ra giá bán lẻ mặt hàng sữa e khó giảm mạnh. Ví dụ, mức giá bán buôn được các công ty đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung khi chưa có giá trần từ 100.000-120.000 đồng/hộp. Chẳng hạn Grow G-Power Vanilla 900g có giá bán buôn do doanh nghiệp công bố là 360.000 đồng/hộp. Sữa Similac Gain Plus IQ 900 g có giá bán buôn là 405.000 đồng. 

Như vậy, đối chiếu với giá lẻ theo cách tính của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đưa ra với mức giá bán lẻ hiện tại thì kết quả chỉ ra giá sữa bán lẻ sau ngày 21-6 rất khó giảm.

Bản chất của việc áp trần để tiến tới giảm giá bán lẻ rất khó làm khi mà doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh hàm lượng vi chất, điều chỉnh công thức, hay đơn giản hơn là điều chỉnh phần rất nhỏ giá nguyên liệu là cho ra mức giá đúng với yêu cầu giá trần của Bộ Tài chính.

Để đối phó với cách thức áp giá trần, doanh nghiệp sản xuất chỉ cần "mẹo nhỏ” lấy giá bán lẻ hiện tại trừ đi 15% rồi đăng ký mức giá đó với Bộ Tài chính. Doanh nghiệp không bao giờ chịu lỗ, và người tiêu dùng khó mà được lợi như kỳ vọng.

Nguyễn Dung (T/h)


 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang