Gia tăng nạn buôn lậu và gian lận thương mại

author 06:43 04/10/2012

(VietQ.vn) - Lực lượng tuần tra, kiểm tra và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước nhiều thách thức của nạn buôn lậu và gian lận thương mại vào dịp cuối năm. Các đối tượng “tuồn” hàng nhiều hơn và trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, 9 tháng đầu năm 2012 lực lượng chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ 422 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá ước tính hơn 11,42 tỷ đồng.

Ông Hoàng Khánh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý, pháo, vũ khí các loại, hàng giả, hàng cấm, văn hoá phẩm đồi trụy… tại địa bàn Lạng Sơn từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và nóng bỏng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Khu vực và tuyến đường vận chuyển hàng hóa nhập lậu qua địa bàn Lạng Sơn chủ yếu là các đường mòn xung quanh hai bên cánh gà cửa khẩu: Cốc Nam, Tân Thanh, Chi Ma như đường Khơ Đa, gốc Bưởi, gốc Nhãn (Tân Mỹ - Văn Lãng-Lạng Sơn), khu vực Hang Dơi, đường mòn 386...

Theo ông Hòa, phương thức và thủ đoạn chính của các đối tượng chủ yếu vẫn là lợi dụng các giờ cao điểm: nửa đêm gần sáng, chập tối, thay ca… các đối tượng buôn lậu xé lẻ hàng nhập lậu thuê người mang vác qua các đường mòn lối tắt, hoặc găm, trộn, vùi trên các xe hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu. Một số khác vận chuyển ra ga tàu Đồng Đăng dưới dạng hành lý theo khách đi tàu xuôi về Hà Nội và các tỉnh phía sau, một số lợi dụng sơ hở của các văn bản quy định của nhà nước như dưới danh nghĩa hàng mua gom của cư dân biên giới rồi hợp thức hóa bằng cách viết hóa đơn GTGT và lập bảng kê hàng hóa để vận chuyển công khai bằng các xe ôtô tải đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ.

Lạng Sơn có nhiều điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: N. Thắng

Bên cạnh đó do sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và sự chênh lệch về giá cả nên trong dịp này, tình trạng gian lận thương mại sẽ có sự gia tăng ở một số doanh nghiệp hoạt động XNK qua địa bàn. Phương thức gian lận chủ yếu là lợi dụng sự tạo thuận lợi trong quy trình thủ tục hải quan để gian lận về số lượng, chủng loại mặt hàng, gian lận qua giá, thuế suất, xuất xứ, nhãn mác hàng hóa…Đặc biệt là nhóm mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao…

Theo nhận định của Chi cục Hải quan Cốc Nam (Lạng Sơn) – nơi có nhiều điểm đối tượng buôn lậu hoạt động phức tạp như: Hang Dơi, Thác Ném, đường mòn 386…), trong những tháng cuối năm 2012, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn đơn vị quản lý sẽ có diễn biến gia tăng, phức tạp cả về đối tượng tham gia buôn lậu, phương thức thủ đoạn và loại hàng hóa.

Hàng lậu được vận chuyển chủ yếu qua khu vực ngoài địa bàn đơn vị quản lý như gốc Nhãn, gốc Bưởi thôn Khưa Đa; thuộc địa bàn đơn vị quản lý như đường mòn 386. Gần đây nhất vào ngày 16/7/2012, lực lượng chức năng Trung quốc đã xây tường chắn tại đường mòn nhưng cửu vạn vẫn vác hàng lậu vào lãnh thổ Việt Nam (tại khu vực cột mốc biên giới M1103/2). Thậm chí, lực lượng cửu vạn còn mở thêm đường mới đi chéo từ cổng số 01 (thuộc đất Trung Quốc) để vác hàng lậu lên khu vực cột mốc biên giới M1103/2, xuống đường mòn 386. Khi bị các lực lượng chống buôn lậu triển khai công tác đấu tranh, ngăn chặn thì các đối tượng lại vận chuyển qua đường mòn 05, 06 thuộc (thuộc thị trấn Đồng Đăng - Cao Lộc - Lạng Sơn).

Hàng lậu đi qua đường mòn ở khu vực biên giới giáp danh, rất khó kiểm soát. Ảnh: N. Thắng

Khu vực 386 và Thác Giữa cũng được Chi cục Hải quan Nam Cốc nhận định là nhạy cảm, thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vì khu vực này chỉ cách đường quốc lộ gần 1km, lại có nhiều nhà dân để các đối tượng buôn lậu lợi dụng chứa chấp hàng.

Các mặt hàng vận chuyển lậu vào địa bàn chủ yếu là các loại mặt hàng tiêu dùng như: giầy, tất, vải, quần áo, đồ tạp hoá, đồ điện gia dụng, điện tử các loại; dịp tết còn có bánh, kẹo, rượu bia, các loại mặt hàng cấm như pháo các loại, đèn trời, hoá mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em mang tính chất bạo lực, ma tuý, tiền giả, tiền thật…

Các đối tượng buôn lậu thường không xuất hiện mà thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp (nghiện hút, cờ bạc...) ở nhiều nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người dân địa phương làm “cửu vạn” và sang Trung Quốc mua hàng. Lợi dụng địa hình đồi núi phức tạp, các đối tượng thường chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển vào Việt Nam qua các đường mòn, lối tắt với hình thức khoán gọn để gắn trách nhiệm với người vận chuyển hàng lậu.

Các đối tượng buôn lậu thường bố trí người theo dõi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu, sau đó dùng xe gắn máy hai bánh để chở hàng lậu, chạy với tốc độ cao vào Thị trấn Đồng Đăng và vào sâu trong nội địa. Thời gian vận chuyển hàng lậu chủ yếu vào các giờ cao điểm như: buổi trưa và nửa đêm về sáng, nếu bị truy đuổi đối tượng buôn lậu thường rất manh động, liều lĩnh, sẽ cản đường bằng xe máy chạy đánh võng, hoặc kích động, tổ chức cướp lại hàng hoá khi bị bắt giữ.

Cũng theo ôngHoàng Khánh Hòa, để công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm đạt hiệu quả, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch chống buôn lậu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng. Trong đó các Chi cục hải quan cửa khẩu phải tăng cường kiểm tra kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, người, phương tiện xuất nhập cảnh. Đặc biệt chú ý kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán các mặt hàng cấm như: Pháo các loại, , ma túy, đồ chơi bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy...

Đối với các đơn vị được trang bị chó nghiệp vụ phải thường xuyên tăng cường công tác huấn luyện nhằm nâng cao thể lực và khả năng phát hiện các chất ma túy, chất nổ qua cửa khẩu, qua địa bàn kiểm soát. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng làm nhiện vụ ở cửa khẩu, trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các lối mòn xung quanh hai bên cánh gà cửa khẩu. Tổ chức chốt chặn 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, các lối mòn mà hoạt động buôn lậu hay diễn ra.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang