Liên tiếp xử lý các cơ sở kinh doanh sách giáo khoa giả mạo NXB Giáo dục

author 11:07 07/09/2020

(VietQ.vn) - Chỉ trong thời gian ngắn nhiều tỉnh thành đã phát hiện và thu giữ lượng lớn sách giáo khoa nhập lậu về tiêu thụ đầu năm học mới 2020-2021.

Phát hiện lượng lớn sách giáo khoa giả mạo 

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, thời gian qua lực lượng QLTT liên tiếp tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh sách giáo khoa.

Cụ thể, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra 3 cơ sở gồm: Cơ sở ông Trần Quốc Thăng - Hiệu sách Bắc Quang; cơ sở ông Nguyễn Quang Trung - Văn phòng phẩm Trung Hằng; cơ sở  bà  Lê Ngọc Hạnh tại tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang.

Tại đây lực lượng chức năng phát hiện 3 cơ sở trên đang bày bán 2.178 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tiếp đến là cơ sở ông Nguyễn Ngọc Hoan, cơ sở bà Nguyễn Thị Thủy và cơ sở bà Trần Thị Chiến tại huyện Vị Xuyên phát hiện 3 cơ sở đang bày bán 731 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Lượng lớn sách giáo khoa giả mạo được lực lượng quản lý thị trường Hà Giang phát hiện 

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đơn vị đã gửi mẫu giám định về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Tình trạng buôn bán, kinh doanh sách giáo khoa giả không chỉ có ở tỉnh Hà Giang mà tại tỉnh Sơn La, mới đây Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh sách giáo khoa Cảnh Oanh, do bà Bùi Thị Oanh làm chủ (địa chỉ tại tiểu khu 40, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành tạm giữ 212 xuất bản phẩm (sách giáo khoa) có dấu hiệu in giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ngay sau vụ việc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẳng định 212 cuốn sách giáo khoa bị thu giữ tại Sơn La là xuất bản phẩm giả.

Hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành làm việc và lập Biên bản vi phạm hành chính đối với bà Bùi Thị Oanh về hành vi phát hành xuất bản phẩm in giả và Đề xuất Đội trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 10 triệu đồng, tịch thu toàn bộ 212 cuốn sách in giả theo quy định của pháp luật.

Cách đây không lâu Cục QLTT Hà Nội cũng ra quân kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh in ấn, phát hành xuất bản phẩm, sách giáo khoa. Kết quả, các đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp tại khu vực số 418 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng có nhiều vi phạm trong lĩnh vực, hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, doanh nghiệp này không thông báo địa điểm kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không lập sổ ghi chép quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo quy định; in, sử dụng mã số, mã vạch của nước ngoài; tàng trữu xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo đó, đoàn kiểm tra đã tạm giữ số hàng hóa gồm 15.000 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 108 kg bao bì sản phẩm có in dòng chữ nước ngoài và “Made in Korea” và 325 kg bao bì sản phẩm có dòng chữ nước ngoài và “Made in USA”.

Tiếp đến, Đội QLTT số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Phú Hưng Phát, địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu.

Báo động - sách giáo khoa giả lại được dịp 'lộng hành' đầu năm học mới(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vừa đồng loạt ra quân kiểm tra và tạm giữ gần 4.000 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Sách giáo khoa giả mạo tác hại khôn lường

Liên quan tới vụ việc, Tổng cục QLTT cho biết, từ nay đến hết năm sẽ chủ động tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh in ấn, phát hành xuất bản phẩm có sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bởi nạn in lậu, đặc biệt là in lậu sách giáo khoa sẽ mang lại nhiều tác hại đối với học sinh.

Trên thực tế, sách giáo khoa dùng trong trường học có yêu cầu về độ chính xác rất cao. Một cuốn sách toán chỉ cần mất đi một ký hiệu, một dấu cộng, hoặc dấu trừ, hay dấu nhân, thì ý nghĩa của công thức toán sẽ hoàn toàn khác. Một từ tiếng Anh nếu mất một ký tự cũng có thể khác hẳn ý nghĩa. Vì vậy khi in sách nhà xuất bản đều phải trải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra chất lượng sách cẩn thận, không để xảy ra sai sót.

Trong khi đó các đối tượng in lậu thường làm sách vội vàng, cẩu thả, thiếu các công đoạn kiểm tra chất lượng sách, nên dễ xảy ra những sai sót, như in mờ chữ, mất nét, sai dấu, mất một hoặc hai ký tự trong một từ,... Sách giáo khoa giả với chất lượng kém, nội dung không được thẩm định có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh. Đặc biệt, sách in lậu ngoài việc không đăng ký xuất bản với cơ quan quản lý còn gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

 An Dương 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang