Giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ

author 13:10 14/06/2020

(VietQ.vn) - Theo khảo sát, giá thịt lợn hơi trên cả nước bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ. Có nơi đã xuống dưới 90.000 đồng một kg.

Cụ thể, tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi giảm 4.000 đồng/kg về mức 90.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Nam Định giảm 2.000 đồng/kg, có giá 91.000 đồng/kg lợn hơi, ngang bằng với Tuyên Quang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai giá thịt lợn hơi cũng giảm 3.000 đồng/kg về mức 92.000 đồng/kg.

Còn tại miền Trung - Tây Nguyên, giá thịt lợn dao động 86.000-93.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 12/6.

Tại các tỉnh miền Nam, giá thịt lợn dao động 86.000-92.000 đồng/kg, trong đó giảm mạnh nhất là tại tỉnh Đồng Nai (giảm 5.000 đồng/kg), còn 88.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6.

Giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ

 Giá thịt lợn bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.

Trước đó tại cuộc làm việc với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết giá lợn hơi sắp tới chắc chắn sẽ giảm. Bởi lợn tại Thái Lan sẽ được khẩu số lượng lớn về Việt Nam giúp giảm giá lợn hơi trong nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Khảo sát cho thấy, Thái Lan có nền chăn nuôi tiên tiến, giá thịt lợn ở Thái Lan thấp hơn giá trong nước. Lợn sống cũng chỉ được nhập khẩu từ 8 doanh nghiệp Thái Lan. Các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước chắc chắn cũng có tính toán, cân đối giá thành, chi phí. Chắc chắn là khi nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam, giá thịt lợn trên thị trương sẽ hạ nhiệt”.

Làm rõ thêm tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ NN&PTNT giao cho cơ quan thú y báo cáo, trên cơ sở đó Bộ sẽ có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh quản lý nhập khẩu ở các cửa khẩu, đặc biệt là đối với lợn sống.

“Ngay sau đây, Bộ sẽ ký văn bản để gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn qua biên giới; cùng với sự tham gia của Ban chỉ đạo 389 và những đơn vị chức năng có liên quan, tin rằng tình trạng này sẽ được ngăn chặn”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu và phân tích thị trường nông sản Việt Nam, nhận định nhập khẩu lợn sống đáp ứng được nhu cầu thịt nóng của người tiêu dùng, có tác dụng kéo giá thịt lợn trong nước xuống tốt hơn nhập thịt đông lạnh.

“Thịt lợn đông lạnh chủ yếu để chế biến và sử dụng trong bữa ăn công nghiệp, trong khi thịt lợn nóng luôn góp mặt trong bữa ăn gia đình”, ông Bích nói.

Bên cạnh đó, do lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát nên chủ trang trại sẽ bán lợn sớm hơn, từ đó kéo giá giảm. Người chăn nuôi bình thường để lợn 100-120 kg mới bán, giờ bán sớm nhằm tránh nguy cơ dịch tái phát.

“Việc bán lợn sớm làm tăng nguồn cung thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, tác động chỉ tích cực ở thời điểm hiện tại, còn về lâu về dài sẽ lộ ra là thiếu thịt lợn”, vị chuyên gia phân tích.

Trước lo ngại nếu ồ ạt cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan với mức giá cạnh tranh sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi trong nước, gián tiếp cản trở công tác tái đàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc nhập khẩu lợn sống trên tinh thần đảm bảo lợi ích của cả các nhóm đối tượng: Người chăn nuôi; người giết mổ, phân phối và người tiêu thụ.

Đến thời điểm phù hợp, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán, cho dừng nhập khẩu.

Theo báo cáo của 63 tỉnh thành, đến cuối tháng 5/2020, tổng đàn lợn cả nước đã đạt 24,89 triệu con, bằng 80,3% so với thời điểm 31/12/2018, lúc đàn lợn ở mức cao ổn định. Tốc độ tái đàn lợn thời gian qua vẫn diễn ra nhanh và thuận lợi. Cụ thể, tốc độ tăng đàn lợn cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020 bình quân đạt 5,78%/tháng.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang