Giá thuốc giảm 30%

author 07:02 29/04/2013

Giá thuốc ở các bệnh viện đã giảm xuống tới 30% sau khi liên bộ Y tế - Tài chính tìm ra “thuốc đặc trị” tình trạng loạn giá đấu thầu. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Vậy lâu nay, người bệnh đã phải trả tiền thuốc với giá trên trời?

Theo TS Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, sau khi áp dụng quy định mới về đấu thầu thuốc cung ứng vào bệnh viện (BV) theo Thông tư 01-2012 do liên bộ Y tế - Tài chính ban hành, hiệu quả kinh tế của các gói thầu đã được cải thiện rõ ràng.

Giảm hàng trăm tỉ đồng

Theo báo cáo của các đơn vị gửi BHXH Việt Nam và Bộ Y tế, khảo sát nhanh kết quả trúng thầu cho thấy việc thực hiện đấu thầu theo quy định mới đã tiết kiệm 20%-30% chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Chỉ tính riêng 4 sở y tế có báo cáo về giá thuốc trúng thầu, số tiền tiết kiệm so với kết quả đấu thầu của năm 2012 đã giảm hàng trăm tỉ đồng.

Số tiền chi cho mua thuốc cung ứng vào BV năm 2013 giảm nhiều nhất là Hậu Giang: 57 tỉ đồng (chiếm 31%), Quảng Ninh 40 tỉ đồng (20%), Hà Tĩnh 32 tỉ đồng (25%) và Quảng Ngãi giảm khoảng 28 tỉ đồng (24%). So sánh giá thuốc trúng thầu của năm 2013 với năm 2012 của cùng mặt hàng cũng giảm đi nhiều.

Siết chặt cung ứng thuốc vào bệnh viện đã tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng.
Siết chặt cung ứng thuốc vào bệnh viện đã tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng.

“Giá 10 loại thuốc thiết yếu đã giảm khoảng 5,6%-43%, tiết kiệm khoảng 1,1 tỉ đồng. Một số loại thuốc giảm giá rất mạnh như Fascort (hoạt chất Methyl prednisolon 4 mg) giảm từ 700 đồng năm 2012 xuống còn 400 đồng/viên (gần 43%), Quicef (Cefuroxim 125 mg) từ 2.890 đồng còn 1.889 đồng/viên (34,6%), Cefuroxim (Cefuroxim 500 mg) từ 4.950 đồng còn 3.450 đồng/viên (giảm 30,3%)…” - ông Lâm dẫn chứng.

Theo ông Lâm, những quy định mới về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí xét thầu cùng với việc công bố các thông tin liên quan tới việc đấu thầu thuốc chính là căn cứ cho cơ sở y tế trong việc tổ chức đấu thầu thuốc. Theo quy định mới, các thông tin được công bố ngay tại website của Cục Quản lý dược, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng.

Hỗn loạn giá thuốc

Việc giá thuốc đấu thầu vào BV giảm tới 30% có thể coi là tin vui với cơ quan quản lý và người bệnh. Thế nhưng, trước thông tin này, không ít người đặt câu hỏi: “Phải chăng trước đây, tiền thuốc cao chót vót là do đã bị “làm giá” trước khi vào BV?”.

Cho rằng rất khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác, một vị đại diện BHXH Việt Nam lý giải: “Thuốc nằm trong nhóm mặt hàng thiết yếu nhưng cũng hoạt động theo cơ chế thị trường, có cạnh tranh về giá. Đã là kinh doanh, tất nhiên phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng ảnh hưởng lớn tới an sinh nên phải có những cơ chế quản lý riêng”.

Theo ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng Ban Dược - Thiết bị y tế BHXH Việt Nam, trước khi thông tư mới ban hành, giá cả một số nhóm thuốc trúng thầu vào các BV rất hỗn loạn. Cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất và cũng cùng nhà sản xuất, phân phối nhưng mỗi BV một giá. Chẳng hạn, thuốc Sunewtam (Việt Nam) giá thấp nhất là 50.000 đồng và cao nhất 82.000 đồng/lọ, Bactapezone (Việt Nam): 47.750 - 81.500 đồng/lọ, Bioszone (Hàn Quốc): 56.000 - 84.000 đồng/lọ...

TP.HCM thành lập trung tâm tiếp liệu

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết giá thuốc trúng thầu của các BV cũng như các địa phương có biên độ chênh lệch rất lớn do việc đấu thầu riêng lẻ ở từng nơi. Tại TP.HCM, giá thuốc năm 2012 được kiểm soát do cơ quan BHXH TP phối hợp cùng Sở Y tế đã thực hiện so sánh giá thầu và thanh toán trên địa bàn TP. Cách làm này giúp giá thuốc giữa các BV chênh lệch không lớn. Thực tế, giá thuốc giữa các BV chênh lệch nhau không quá 5%-7%.

Cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng giá thuốc cũng chênh nhau, như: Askyxon 1 g (Việt Nam) cách biệt tới  22.000 đồng/lọ, Ceftriaxone: 50.000 đồng/lọ, Samaxon (Ấn Độ): 30.000 đồng/lọ, Levofloxacin 500 mg (Việt Nam): 70.000 đồng/ lọ. Ông Hiển cho biết trong số hơn 300 loại thuốc thuộc 5 hoạt chất Cefoperazol + sulbactam, Ceftriazon, Levofloxiacin, Cefuroxim, Methyl prednisolon được dùng phổ biến tại các BV năm 2012, giá trúng thầu chênh lệch khoảng 20%-50%, thậm chí có loại lên tới 2,5 lần.

“Giá khác biệt như vậy vì cả nước đang có hàng trăm hội đồng thầu tại các BV. Mỗi hội đồng lại chấm thầu theo một giá riêng. Có thể cho phép mức chênh lệch trung bình trên dưới 10% nhưng cũng vẫn viên thuốc ấy, không thể chấp nhận tình trạng giá chênh gấp rưỡi, gấp đôi” - ông Hiển bức xúc.

Theo ông Hiển, năm 2012, chi phí tiền thuốc vẫn chiếm 60% (khoảng 20.000 tỉ đồng) tổng chi phí chi trả cho bệnh nhân BHYT. Tình trạng này tồn tại trong nhiều năm qua, nguyên nhân một phần do giá thuốc trúng thầu vào BV cao chót vót. So với quy định cũ. Thông tư 01  đã bịt được nhiều lỗ hổng, chặn các chiêu đẩy giá thuốc lên cao, góp phần giảm tình trạng loạn giá thuốc, đặc biệt sẽ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tiền thuốc mỗi năm.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phát hiện một số thuốc có hàm lượng “lạ” được cung ứng vào BV. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng “chạy” thầu. Dù Thông tư 01 đã có hiệu lực từ tháng 6-2012 nhưng đến tháng 6-2013, nhiều BV  mới thực hiện đấu thầu theo quy định này. Trước đó, không ít BV đã hối hả “chạy” thầu” - ông Hiển nêu thực trạng.

Đại diện Cục Quản lý dược thừa nhận với quy định cũ, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí phân nhóm tiêu chuẩn chất lượng thuốc để đánh giá nhà thầu và sản phẩm dự thầu chưa được rõ ràng do các cơ sở y tế tự xây dựng. Do đó, không loại trừ việc chủ thầu đưa ra chỉ định “đích” hướng đến một mặt hàng nào đó.

Giá còn giảm mạnh?

Ông Nguyễn Thành Lâm cho biết thuốc đang được đấu thầu theo 3 hình thức tập trung, đại diện và riêng lẻ. Thứ nhất, địa phương gom hết thành một gói lớn để đấu thầu. Thứ hai, lấy kết quả đấu thầu tại một BV đa khoa, sau đó áp kết quả với các cơ sở y tế còn lại. Thứ ba, để BV tự đấu thầu. Hiện nay, gần 50 địa phương đã thực hiện đấu thầu tập trung. Phương thức này cũng góp phần giảm chi phí mua thuốc vì mua càng nhiều, giá càng rẻ, hơn nữa, sẽ có sự thống nhất giá trong các cơ sở y tế.

Người bệnh chưa chắc được lợi!

Đại diện một BV ở Hà Nội cho rằng với quy định đấu thầu mới, tiền chi cho việc mua thuốc sẽ giảm. Tuy nhiên, không phải thuốc giảm giá mà chỉ những loại rẻ tiền mới trúng thầu. Trước đây, thuốc của Mỹ, Nhật Bản, Ý… trúng thầu thì giá đương nhiên phải cao hơn loại của Ấn Độ, Hàn Quốc. Thế nhưng, với cách tính điểm từ tối thiểu đến tối đa (70- 100 điểm) thì trong cùng 1 nhóm, thuốc của Mỹ, Nhật, Ý… sẽ bị “đánh bật” bởi loại của Hàn Quốc, Ấn Độ vì giá thành cao hơn.

Cùng quan điểm giá thuốc sẽ giảm nhờ đấu thầu tập trung, ông Hiển cho hay ngoài giá phổ biến đối với 5 hoạt chất thuộc nhóm kháng sinh, kháng viêm Cefoperazol + sulbactam, Ceftriazon, Levofloxiacin, Cefuroxim, Methyl được BHXH Việt Nam ban hành tại văn bản số 584 ngày 5-2, tới đây, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát và công bố giá phổ biến của nhiều thuốc khác thuộc nhóm điều trị bệnh tim mạch, huyết áp.

Ông Hiển cho biết mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản “phản pháo” việc cơ quan bảo hiểm không có cơ sở pháp lý để ban hành quy định về giá phổ biến của thuốc thanh toán BHYT. Tuy nhiên, BHXH không chỉ đạo các địa phương lấy giá này để thanh toán mà chỉ là cơ sở để tham khảo. “Lâu nay, chúng ta vẫn tù mù về giá thuốc, dẫn đến sự bất bình đẳng trong chi trả tiền thuốc khi bệnh giống nhau, phác đồ điều trị như nhau nhưng tiền thuốc phải chi trả ở mỗi BV lại khác nhau một trời một vực” - ông Hiển phân tích.

Đại diện cơ quan bảo hiểm cho rằng việc xây dựng bảng giá thuốc phổ biến sau khi loại bỏ những yếu tố bất thường cũng là cơ sở để BHXH các địa phương rung lên hồi chuông cho BV và doanh nghiệp biết rằng hai bên đang mua bán quá đắt, để họ thương thảo giá phù hợp với mức chung. Nếu làm đúng quy định, tình trạng lãng phí tiền thuốc với quỹ bảo hiểm sẽ giảm và người bệnh cũng bớt đi gánh nặng chi trả cho thuốc.

P.V (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang