Giá vắc xin 5 trong 1 không quá 630 nghìn/liều

author 07:27 27/12/2015

(VietQ.vn) - “Hiện nay, vắc xin chúng tôi vẫn giới hạn là mức trần 630.000 đồng/liều. Nếu phát hiện chỗ nào bán ra ngoài cao hơn thì báo, chúng tôi sẽ rút giấy phép”, Cục trưởng cục quản lý Dược - Trương Quốc Cường quả quyết.

Phát hiện “chặt chém”, rút giấy phép điểm tiêm dịch vụ

Sau sự cố vắc xin 5 trong 1 vừa mới xảy ra tại Hà Nội, sáng 26/12, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo khẩn để giải đáp những vấn đề dư luận đang vô cùng quan tâm.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược, Việt Nam mỗi năm nhập khoảng 200.000-300.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, trong khi nhu cầu khoảng 600.000 đến một triệu liều; khoảng 4,5 triệu liều Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cục Quản lý Dược đàm phán hơn một năm nay với nhà sản xuất Sanofi để đạt được thỏa thuận cuối cùng là cung cấp 160.000 liều Pentaxim trong tháng 12 năm nay thay vì chỉ 40.000-50.000 liều như các năm. Số vắc xin này phía nhà sản xuất phải điều phối từ các nước khác như Thái, Malaysia... để cung cấp cho Việt Nam.

Vắc xin Pentaxim về Việt Nam hiện nay được phân phối bởi 2 công ty là Hồng Thúy (Hà Nội) và May (Sài Gòn). Mặc dù Cục Dược khuyến khích hai đơn vị phân phối này nhập khẩu, thậm chí sẵn sàng cho tăng giá nếu hợp lý, song thực tế không phải là vấn đề về giá mà do nhà sản xuất cũng không thể cung cấp được. Đợt phân bổ vắc xin Pentaxim lần này mặc dù Cục Dược thông báo miền Bắc có 160.000 liều song thực tế chỉ mới đưa về 15.000 liều, sau đó mới tăng lên 29.000 liều, còn lại phân bổ cho miền Nam.  

Nói về các lô vắc xin khi về Việt Nam, TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, khi vắc xin về, cơ quan này đã công bố hết ở 161 điểm trên toàn quốc và giá không tăng.

“Hiện nay, vắc xin chúng tôi vẫn giới hạn là mức trần 630.000 đồng. Nếu phát hiện chỗ nào bán ra ngoài cao hơn thì báo, chúng tôi sẽ rút giấy phép”, ông Cường nói.

Nói về những trường hợp vắc xin được “xách tay” về Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh sẽ không cho phép sử dụng vì không đảm bảo yêu cầu trong quá trình vận chuyển, bảo quản.

Giá vắc xin 5 trong 1 không quá 630 nghìn/liềuCác khách mời trong cuộc họp báo về vắc xin 5 trong 1

Nguy cơ bùng dịch nếu cứ chờ vắc xin dịch vụ

Trong cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay, chương trình tiêm chủng ở nước ta đang tiêm khoảng 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là các loại vắc xin dịch vụ. Muốn thanh toán được bệnh thì phải tiêm chủng và chỉ có vắc xin mới làm được vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, vị này lo lắng, hiện nay, việc tiêm vắc xin vẫn còn nhiều vấn đề, chính là việc so sánh vắc xin dịch vụ và vắc xin miễn phí. Chính vì lẽ đó mới có chuyện khan hiếm vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 là vắc xin dịch vụ có chứa thành phần vô bào; các loại vắc xin còn lại tương đối ổn định.

Ông Phu cũng cho biết thêm, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam luôn đạt trên 90%. Do tỷ lệ này khá cao nên những người không tiêm vắc xin vẫn có thể không bị mắc bệnh. Thế nhưng, nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn bùng phát bệnh. Ví dụ điển hình nhất đó chính là bệnh bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội đã khiến một trẻ tử vong vào năm 2014...

Để tạo điều kiện cho người dân đưa con em đi tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng đã ra văn bản nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoặc tuồn vắc xin từ cơ sở Nhà nước ra ngoài.

“Bộ Y tế không nghiêm cấm hình thức tiêm nào, nhưng tôi cũng phải khẳng định tiêm chủng mở rộng là rất quan trọng. Cần truyền thông để người dân không hoang mang, bỏ tiêm chủng mở rộng”, ông Phu nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề đăng ký tiêm dịch vụ, vị này cho biết sẽ quán triệt rõ ràng, dù đăng ký dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo an toàn công bằng cho người dân. Đặc biệt, không nhờ, không thuê, không nhờ cò xếp hàng…

Đặc biệt, ông Phu yêu cầu, khi đi xếp hàng tiêm chủng, không đưa trẻ đi cùng.

“Với thời tiết hiện nay, nếu đưa trẻ ra điểm tiêm chủng xếp hàng có lẽ chưa đăng ký được thì trẻ đã mắc các bệnh khác, đặc biệt là viêm phổi”, vị này lưu ý.

Ngoài ra, các điểm tiêm chủng cần phải hẹn lịch tiêm đối với từng người đã đăng ký. Đồng thời yêu cầu các điểm đăng ký bố trí lực lượng, thậm trí là công an để đảm bảo an ninh.

Nếu trong trường hợp hết vắc xin không đủ cung cấp thì cần chấp nhận tiêm đợt sau. Trong trường hợp khan hiếm vắc xin thì phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh của trẻ. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm xách tay, cán bộ y tế mang vắc xin đến tận nhà tiêm để trục lợi, tăng giá trái phép….

“Nếu phát hiện ra hãy báo cho chúng tôi. Mong muốn của chúng tôi là trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, định kỳ để miễn dịch được tăng cao”, ông Phu cho hay.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang