Giá vàng ngày 20/8/2014: Đô la Mỹ và chứng khoán tăng điểm khiến vàng giảm giá

author 06:34 20/08/2014

(VietQ.vn) - Giá vàng hôm nay tiếp tục đi xuống khi vàng mất vị trí trú ẩn an toàn tạm thời, thay thế vào đó là chứng khoán và đồng Đô la Mỹ (đồng USD) tăng điểm mạnh.

Sự kiện: GIÁ VÀNG HÔM NAY

Biểu đồ giá vàng ngày 20 tháng 8

Biểu đồ giá vàng ngày 20 tháng 8 trên Kitco. Ảnh: Kitco

Đầu giờ giao dịch sáng nay ngày 20/8, giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục giảm theo đà giảm giá vàng từ hồi đầu tuần. Giá vàng thế giới giảm kéo theo giá vàng trong nước đi xuống nhưng mức giảm nhẹ. 

Tại thời điểm 6 giờ sáng nay, giá vàng giao dịch trên Kitco đạt 1.295,2 USD/ounce. Mức giá này thấp hơn mức ngày hôm qua 19/8.

Đầu phiên, giá vàng giao dịch ở 1.299,5 USD/ounce, sau đó liên tục đi lên đến 1.300,2 USD, giảm nhẹ trước khi đạt đỉnh 1.301,7 USD lúc 7h50 sáng. Tuy nhiên, ngay sau đó giá vàng đột ngột giảm mạnh xuống 1.295,3 USD, tăng nhẹ đôi chút trước khi chạm đáy 1.294,3 USD lúc 11h20.

Đầu giờ chiều, giá vàng tăng trở lại, nhưng mức tăng không đáng kể khi chỉ lên đến 1.296,3 USD. Dần về cuối phiên, có lúc giá giảm xuống 1.294,5 USD, gần chạm đáy. Cuối phiên giá biến động lên xuống liên tục, giao dịch quanh mốc 1.294,9-1.295,3 USD/ounce.

Hiện giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX giảm 0,2% xuống 1.296,7 USD/ounce, với khối lượng giao dịch thấp hơn 41% so với mức trung bình 100 ngày, theo số liệu của Bloomberg. Hôm 15/8, giá chạm 1.293 USD, mức thấp nhất kể từ 6/8.

Giá vàng tiếp tục giảm là do tin tức từ các điểm nóng trên thế giới như Iraq, Ukraine, Libya... hạ nhiệt, niềm tin về thị trường chứng khoán phát triển bền vững tăng cao trong giới đầu tư tài chính và giá đồng Đô la Mỹ tăng mạnh khiến cho vàng mất vị trí trú ẩn an toàn, nhà đầu tư không coi trọng đến mua vàng để kiếm lời lúc này. Các nhà đầu tư coi trọng thị trường chứng khoán và đồng bạc xanh - đồng USD được coi trọng.

Hiện giá đồng USD tiếp tục tăng 0,4% so với các đồng tiền hàng đầu thế giới khi số liệu của Mỹ cho thấy giá nhà bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 7 sau khi giảm 2 tháng liên tiếp trước đó. Bên cạnh đó, giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 7 cũng tăng.

Mặc dù giá vàng đang giảm, mức giảm không đáng kể và theo dự đoán, vào cuối tuần giá vàng có thể sẽ tăng nhẹ. Tin mới lúc này có thể tác động lên giá vàng và được chờ đợi là họp thường niên của lãnh đạo các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming vào hôm thứ 5 (21/8) tới đây và chờ đợi tuyên bố của chủ tịch Fed Janet Yellen vào hôm thứ 6 (22/8). Ngân hàng trung ương Mỹ được dự đoán sẽ nâng lãi suất vào giữa năm tới, tùy thuộc vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Tháng trước, giá vàng giảm 3% trước đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng. Lãi suất cao hơn sẽ khuyến khích nhà đầu tư rút tiền từ tài sản không lãi suất như vàng. Giá vàng đạt kỷ lục sau khi Fed hạ lãi suất sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo thống kê chính thức của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đến tháng 8/2014, dự trữ vàng toàn cầu đạt 31.812 tấn. Các ngân hàng trung ương quý II/2014 mua vào 118 tấn vàng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ, Đức, Ý là 3 quốc gia nắm giữ lượng vàng lớn nhất toàn cầu. Trong đó, Mỹ hiện nắm giữ 8,133,5 tấn, tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 71,9%. Dự trữ vàng của Mỹ đạt kỷ lục vào năm 1952 khi đạt 20.663 tấn. Dự trữ vàng của nước này lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 tấn vào năm 1968.

Tiếp đến là Đức, dự trữ 3,384,2 tấn vàng. Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 68,4%. Đức đã giảm lượng vàng nắm giữ vào tháng 10/2013. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự định bán 6-7 tấn vàng mỗi năm cho Bộ Tài chính nước này. Đức đã bán vàng theo các thỏa thuận CBGA 1 và 2 nhằm mục đích đúc tiền xu vàng kỷ niệm. Trong năm đầu tiên của CBGA 3 (2008-2009), Bundesbank đã bán khoảng 6 tấn vàng. Từ 7/9/2011 đến nay, Bundesbank bán ra 4,7 tấn vàng.

Còn Italia dự trữ 2.451,8 tấn vàng. Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 67%.

Các nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ tỷ lệ nắm giữa vàng dự trữ cũng khác nhau, trong đó Trung Quốc lên ngôi vị hàng đầu về trữ vàng. Hiện lượng vàng trữ trong Trung Quốc là 1.054 tấn. Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 1,1%. Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới vào năm 2013. Vàng vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong dự trữ ngoại hối 3,7 nghìn tỷ USD, so với 10% tỷ trọng trung bình của thế giới. Việc tăng dự trữ vàng đóng vai trò quan trọng khi Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, với hy vọng biến đồng tiền này trở thành một đồng tiền dự trữ, theo Financial Times.

Tiếp theo là Nhật Bản, trữ lượng vàng trong nước này là 765,2 tấn. Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 2,5%. Dự trữ vàng của Nhật Bản năm 1950 chỉ đạt 6 tấn. Năm 1959 dự trữ vàng của Nhật Bản ghi nhận mức tăng mạnh khi lượng vàng mua vào của Ngân hàng Trung ương nước này tăng 169 tấn so với năm 1958.
Năm 2011, Ngân hàng Nhật Bản bán vàng để bơm 20 nghìn tỷ Yên vào nền kinh tế sau thảm họa kép sóng thần-hạt nhân.

Và Ấn Độ dự trữ vàng là 557,7 tấn. Tỷ lệ dự trữ vàng trong dự trữ ngoại hối: 7,3%. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ được dự đoán giảm năm thứ 3 liên tiếp trong khi ngân hàng trung ương nước này tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu vàng. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực kiềm chế người dân mua vàng. Nhập khẩu vàng được cho là nguyên nhân gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai.

Trữ lượng vàng của các nước tăng cao cũng làm cho giá vàng giảm. Thời điểm này, giá vàng trong nước giảm theo xu hướng giảm của giá vàng thế giới. Thời điểm này các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên lựa chọn tỉnh táo để giao dịch vàng có lợi nhất.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang