'Giá xăng đáng lẽ phải tăng 3.500 đồng'

author 06:15 17/03/2015

(VietQ.vn) - Theo đại diện Bộ Công thương, đáng lẽ đợt tăng giá xăng vừa qua phải điều chỉnh lên 3.500 đồng nhưng do sử dụng 1.900 đồng quỹ bình ổn giá để “giảm sốc” nên chỉ tăng 1.600 đồng.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Mới đây, gần như cùng thời điểm, giá điện tăng 7,5% và giá xăng tăng 1.600 đồng/lít đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện và xăng gần như cùng thời điểm trong khi nền kinh tế đang tận dụng triệt để sự ổn định các mặt hàng khiến mục tiêu này rất khó thực hiện.

Nếu không có quỹ bình ổn giá, giá xăng sẽ tăng thêm 3.500 đồng thay vì 1.600 đồng như đợt vừa qua. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trả lời lo ngại này, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ tài chính – Nguyễn Anh Tuấn giải thích: Giá xăng đang điều hành theo NĐ 83 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 39 của Bộ Tài chính – Công thương nên bám sát xăng dầu thế giới để điều chỉnh. Việc tăng giá xăng dầu thế giới liên tục trong thời gian qua đã tác động lên giá trong nước và việc điều chỉnh giá điện tăng cùng lúc là thời điểm trùng hợp ngẫu nhiên.

“Việc điều chỉnh 2 mặt hàng này đã tính toán đến những tác động tới thị trường, nhất là chỉ số CPI trong tháng 3 và 4”, ông Tuấn nói.Với lo ngại cho rằng 2 mặt hàng tăng cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã có các biện pháp để tránh tình trạng “té nước theo mưa”. 

“Với các mặt hàng trong diện kê khai giá thì phải thực hiện đầy đủ. Nếu muốn tăng thì phải báo cáo đầy đủ chi phí đầu vào hoặc bị xử lý nếu không đúng quy định”, ông Tuấn nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền – Cục phó cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, giá xăng hiện đã đi theo thị trường, phản ánh đủ chi phí hợp lý, hợp lệ, nhất là theo giá thế giới. Công thức, biên độ, thời gian điều chỉnh được quy định rõ trong NĐ 83.

“Vừa qua, đáng lý điều chỉnh giá xăng tăng thêm khoảng 3.500 đồng, nhưng do sử dụng quỹ bình ổn giá nên mức điều chỉnh giảm đi, chỉ tăng 1.600 đồng, còn 1.900 đồng dùng quỹ bình ổn để giảm sốc. Vừa qua có 15 đợt điều chỉnh giá thì 14 lần giảm giá, tổng cộng trên 10.000 đ/lít - mức độ giảm giá là lớn” – ông Quyền nói.

Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường của xăng thời gian qua tăng gấp 3 lần khiến nhiều người nghi ngại đó chính là lý do tăng giá bán lẻ xăng trong khi không áp dụng tăng thuế đối với mặt hàng dầu dizen mặc dù tác động môi trường của 2 mặt hàng này như nhau. Tuy nhiên, giải thích hiện tượng này, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - Phạm Đình Thi cho biết, việc sử dụng xăng hiện này rất lớn – gần 7 triệu lít, trong khi dầu hỏa sử dụng khoảng 620.000 lít, chỉ bằng 1/10 xăng, chủ yếu dùng thắp sáng ở vùng sâu vùng xa, nên việc không điều chỉnh thuế môi trường đối với dầu hỏa cũng là biện pháp trợ giúp, hỗ trợ khó khăn với người nghèo.

Đánh giá về tác động của việc tăng giá điện, xăng đến sản xuất của doanh nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Cục phó cục Quản lý thị trường cho rằng: xăng dầu tăng/giảm sẽ có tác động trực tiếp vào giá và là đầu vào của một số ngành sản xuất nên việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến một số mặt hàng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào ngắn hạn, quá trình điều chỉnh liên Bộ là theo nguyên tắc thị trường, không “sốc” và tính toán có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang