Nhiều bất bình trước nghịch lý gía xăng dầu - cước vận tải

author 14:18 22/01/2015

(VietQ.vn) - Giá xăng dầu hôm qua tiếp tục giảm sâu, nhưng giá cước vận tải và nhiều hàng hóa vẫn không giảm khiến doanh nghiệp, người tiêu dùng bất bình.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Về vấn đề giá xăng dầu, theo báo Tiền Phong, chiều 21/1, nhiều người dân thảng thốt khi Bộ Tài chính bất ngờ ban hành Thông tư 07 “phủ nhận” Thông tư 06 do một Thứ trưởng của cơ quan này ký ban hành trước đó một ngày (cũng có hiệu lực từ 21/1), với quyết định không nâng thuế nhập khẩu các loại xăng lên kịch trần, ở mức 40% và lên mức 35% với mặt hàng dầu diezel.

Cùng ngày hôm qua, báo Thanh Niên cũng đưa tin, liên bộ Công thương - Tài chính công bố mức giá xăng, dầu bán lẻ mới giảm mạnh để các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối điều chỉnh theo. Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm tối thiểu 1.897 đồng /lít (còn khoảng 15.670 đồng/lít), giá xăng RON 95 giảm tương tự, còn 16.270 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05 S giảm tối thiểu 1.459 đồng/lít, còn khoảng 15.170 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.494 đồng/lít (còn khoảng 15.610 đồng/lít). Giá dầu ma zút 3,5 S giảm 1.078 đồng/kg, còn khoảng 11.850 đồng/kg. Đây là lần giảm giá xăng dầu thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2015 đến nay và là lần giảm thứ 17 liên tiếp kể từ giữa tháng 7.2014.

Giá xăng dầu giảm đạt mức kỉ lục là tín hiệu đáng vui mừng đối với người tiêu dùng

Giá xăng dầu giảm đạt mức kỉ lục là tín hiệu đáng vui mừng đối với người tiêu dùng

Nhiều DN vận tải khách tỏ ra khá dửng dưng với câu hỏi giá cước bao giờ giảm sau khi giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh; đồng thời khẳng định sẽ khó có chuyện giảm giá cước trong giai đoạn trước tết. Đại diện một hãng xe khách lớn chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM nói: “Qua các đợt giảm giá xăng trước, hãng đã giảm giá cước xuống sát giá xăng, chẳng hạn tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM đã giảm giá vé khoảng 15%. Nên nay nói giảm nữa là rất khó do trong tình hình giá cước vận tải được phép tăng từ 20 - 60% trong dịp tết”.

Đại diện một hãng xe khách tuyến Đà Lạt - TP.HCM cũng cho rằng nếu có giảm giá cước, chỉ có thể thực hiện sau tết. Đại diện hãng xe Thành Bưởi nói chưa có kế hoạch giảm giá cước vận tải do hãng đang nỗ lực tăng lương và thưởng cho nhân viên để giữ chân người lao động. "Áp lực tăng lương để giữ chân người lao động trong dịp tết khiến DN vận tải vô cùng khó khăn. Nếu giảm được phần nào chi phí đầu vào để tăng lương thưởng cho nhân viên là điều chúng tôi đang mong đợi", đại diện Hãng Thành Bưởi nói.

Giá xăng dầu tuy giảm nhưng giá cước vận tải vẫn chưa có dấu hiệu giảm

Giá xăng dầu tuy giảm nhưng giá cước vận tải vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhất là trong dịp gần Tết

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã phân tích tác động của việc giảm giá xăng dầu ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Theo ông Hải: “Xăng dầu đã giảm gần 10.000 đồng một lít mà cước taxi và các phương tiện vận tải khác không giảm giá là thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý”. Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% giá thành vận tải. Từ đầu năm 2014 đến nay chi phí nhiên liệu vận tải giảm gần 40% thì không có lý do gì giá cước không giảm. “Xăng dầu tăng giá một chút, chưa cần ai nói gì thì cước vận tải đã tăng. Khi xăng dầu giảm giá thì họ viện đủ lý do khó khăn để không chịu giảm giá cước. Điều này tôi thấy rất vô lý, dư luận cần phải lên án”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Cũng theo báo Tiền phong đăng tải, nhiều DN sản xuất cho biết bức xúc của họ ngày càng tăng cao khi sau nhiều lần giảm giá xăng dầu, các DN vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước ở mức tương ứng. Ông Nguyễn Thái Linh, Giám đốc Công ty TNHH giấy Liên Sơn, cho biết chi phí cước vận tải của công ty ông trung bình mỗi tháng đã tăng từ 500 triệu đồng lên hơn 700 triệu đồng ở thời điểm giá xăng tăng đỉnh vào tháng 7.2014. Từ đó cho đến nay, mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh giá xăng, song giá cước vận tải chỉ giảm khoảng 5%. “Vì nhu cầu, chúng tôi không thể không thuê vận tải, song việc giá cước vận tải không được đưa về đúng giá trị thật khiến nhiều DN có nhu cầu vận tải cao thiệt hại lớn”, ông Linh nói.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan, cho rằng: “Chương trình bình ổn giá được triển khai mấy năm nay nhằm đưa DN đồng hành với người tiêu dùng. Trong khi DN sản xuất làm rất hiệu quả chương trình này không lý do gì những DN ngành khác lại đứng ngoài cuộc. Việc DN vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước có nguyên nhân là chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh”.

Hồng Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang