Nói giá xăng giảm, cước vận tải phải giảm là không thỏa đáng!

author 14:39 01/09/2015

(VietQ.vn) - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội khẳng định, không thể nói “cứng” xăng dầu giảm 10% thì cước vận tải phải giảm khoảng 5%.

Trong 2 tháng qua, giá xăng dầu đã giảm khoảng 10%, theo một số chuyên gia cước vận tải phải giảm khoảng 5% mới tương ứng. Tuy nhiên, giá cước vận tải lại chưa hề giảm, Chất lượng Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội.

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam cho rằng trong 2 tháng qua, giá xăng dầu đã giảm 10%, với cơ cấu chi phí nhiên liệu chiếm 35%-40% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm 5%, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi cho rằng, quan điểm chung thì khi giá đầu vào giảm thì đầu ra cũng phải giảm. Đây là nguyên lý chung không chỉ riêng đối với các ngành vận tải mà đối với tất cả các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, nếu làm bài tính theo kiểu toán học, giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải phải giảm 5% là chưa thỏa đáng vì giá thành vận tải được cấu thành bởi 14 yếu tố tất cả. 14 yếu tố này trải qua một quá trình thời gian thì có yếu tố này giảm nhưng lại có yếu tố khác tăng lên, thậm chí tăng lên đột ngột khiến ngành vận tải rất choáng, phải oằn lưng ra chịu đựng mà không thể tăng giá cước.

Tôi lấy ví dụ như phí BOT vừa hình thành trên Quốc lộ 1 trong năm nay hoặc phí đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai rất cao nhưng không ai quan tâm đến. Các doanh nghiệp vận tải đang cố gắng chịu đựng qua thời điểm này chứ không ai vì phí BOT mà xây dựng lại giá cước vận tải. Mỗi lần thay đổi giá cước không đơn giản, ngoài thủ tục hành chính còn chi phí cho việc thay đổi giá khá tốn kém.

Khoản thu được từ tăng giá chưa chắc đã bù được chi phí từ việc thay đổi giá này gây ra. Ví dụ một tuyến đường, giá vé tăng lên 2.000 đồng thì phải thay đổi toàn bộ mạng lưới bán vé, thay đổi cả thông tin, mật mã, hệ thống kế toán, kê khai thuế…rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Hơn nữa là ngành vận tải là ngành hoạt động theo cơ chế thị trường trong đó có cạnh tranh về giá cước vận tải. Ví dụ một hợp tác xã có 8 xe chạy trên một tuyến Hà Nội – Vinh. Trong lúc những doanh nghiệp khác đã sử dụng giá vé trong nhiều năm nay là 220.000 đồng/vé giường nằm. Đơn vị này xây dựng giá cước từ 170.000 đồng/vé rồi đến 180.000 và 190.000 đồng, có 1 xã viên đề xuất lên 185.000 đồng/vé vì lên 190.000 đồng thì họ mất khách, phá sản. Điều này cho thấy giá cước vận tải rất cạnh tranh, không phải anh muốn áp bao nhiêu cũng được.

Hay như giá cước taxi, bà Nguyễn Thị Thủy, Tổng giám đốc taxi Long Biên (có khoảng 500 – 700 xe) hoạt động rất chính quy, tôi hỏi giá xăng lên bà có điều chỉnh giá vé không, bà Thủy cho rằng: điều chỉnh là đúng rồi, giá xăng lên, giá cước taxi có thể tăng được 500 đồng/km. Tuy nhiên, nếu để nguyên giá cước thì còn được 10 cuốc, tăng cước lên chỉ còn được 2 – 3 cuốc. Sản lượng giảm đi, lợi bất cập hại. Nói điều này để các chuyên gia thấy rằng, ngành vận tải vận hành theo cơ chế giá thị trường, không những cạnh tranh về chất lượng mà còn cạnh tranh về giá cả để thu hút khách hàng.

Thứ tư, do chất lượng xe, có những xe giường năm 3,5 tỷ đồng nhưng cũng có xe giường nằm chỉ 1,2 tỷ đồng. Xe 3,5 tỷ đồng vay ngân hàng lên đến 70% – 80% giá trị xe, tuy lãi suất có giảm nhưng vẫn phải chi phí vào trong giá thành vận tải. Trong khi đó, nguyên liệu, nhiên liệu có giảm một chút nhưng không bền vững nên nếu anh giảm giá thành vận tải, ngày mai nó tăng lên anh chết ngay. Doanh nghiệp vận tải đang tiến lên chính quy hiện đại, xây dựng giá cước phải có một thời gian nhất định chứ không phải như bán mớ rau ngoài chợ có thể mua đắt bán đắt mua rẻ bán rẻ ngay được.

Điều cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước xăng dầu cũng giảm nhưng không thấy các doanh nghiệp đó giảm giá. Xe lửa, máy bay, điện dùng chất đốt bằng dầu cũng không thấy họ giảm, sao “ông” Tài chính không đi phạt đi lại cứ đi phạt mấy doanh nghiệp ô tô nhỏ lẻ đang oằn lưng chịu hết giá nọ đến phí kia, mệt mỏi lắm.

Cước vận tải không giảm

Giá cước vận tải chưa giảm trong khi giá xăng đã giảm 10% trong vòng 2 tháng qua

Không tăng/giảm giá cước vận tải được ngay thì theo ông nên có giải pháp như thế nào để cả các doanh nghiệp vận tải và người tiêu dùng đều cảm thấy hợp lý mỗi khi giá xăng dầu tăng/giảm?

Giá cước vận tải là một vấn đề còn tồn tại nhiều khúc mắc, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông phối hợp với Bộ Tài chính nên có cuộc hội thảo gồm có các chuyên gia về tài chính, các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải tìm ra một giải pháp tương đối ổn định nhằm phát triển ngành này. Vận tải không thể xây dựng kế hoạch giá cả 15 ngày được, chỉ có bà bán rau, bán thịt theo được giá theo chu kỳ này. Từ khi làm thủ tục tăng/giảm giá đến khi phát hành vé không thể kịp trong 15 ngày. Ai đó nói rằng xăng dầu lên là giá vé các doanh nghiệp vận tải lên là không đúng, không hiểu gì về quy trình vận hành của các đơn vị vận tải.

Khi giá xăng dầu xuống vé vận tải xuống là điều đương nhiên nhưng cần phải có một lộ trình và tùy trường hợp cụ thể. Chẳng hạn với ngành hàng sử dụng xăng toàn bộ như taxi có thể giảm ngay nhưng ngành hàng vận tải sử dụng dầu hay vận tải không kiểm soát được như vận tải hàng hóa và vận tải du lịch hợp đồng thì không điều chỉnh được.

Như ông vừa nói quy trình 15 ngày không hợp lý, vậy theo ông quy trình điều chỉnh giá cước vận tải bao nhiêu ngày sẽ là hợp lý?

Tôi nghĩ không thể đặt thời gian được mà phải đưa ra một giải pháp cho ngành vận tải. Nên xây dựng giá cước trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn trong vòng thời gian 6 tháng mặc cho giá xăng dầu lên xuống. Các nước có tiềm năng kinh tế họ mua xăng dầu dự trữ, khi giá lên xuống họ điều chỉnh mức giá bán ra, nhưng Việt Nam không làm được điều đó. Khi không có tiền không thể nói chuyện bình ổn giá. Cũng phải điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Khi xăng dầu xuống họ vẫn còn 15 ngày để thu lãi, tất nhiên khi giá lên họ cũng mất 15 ngày để tăng giá. Ví dụ Petrolimex lãi mấy nghìn tỷ như vậy thì điều tiết thế nào, cần phải minh bạch.

Vừa qua Bộ Giao thông có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giá cước vận tải theo xu hướng giá xăng dầu. Nếu như các doanh nghiệp vận tải không giảm giá thì Hiệp hội sẽ làm thế nào?

Việc này tùy theo các doanh nghiệp vận tải và việc xử lý của các cơ quan nhà nước. Nếu xử lý một doanh nghiệp phải đi thẩm tra, việc thẩm tra này phải tốn mất hàng tháng, kiểm tra đầu ra, đầu vào, tiền mua xăng dầu như nào. Việc này lại “chết” doanh nghiệp bởi suốt ngày tiếp các đoàn, lại tốn thêm nhiều khoản chi phí khác…

Quy định giá “cứng” trong vòng 6 tháng như ông đề xuất có làm mất đi tính điều tiết của thị trường không thưa ông?

Nếu để thị trường tự điều tiết thì phải để cho doanh nghiệp tự do, muốn ổn định thì phải quy định thời gian, không thể điều chỉnh hàng ngày theo giá xăng dầu được.

Người tiêu dùng vẫn thấy rằng xăng lên doanh nghiệp vận tải tăng giá rất nhanh, ông có thấy như thế không thưa ông?

Tôi không thấy như vậy, từ đầu năm tới giờ chỉ có một vài doanh nghiệp điều chỉnh trong mức cho phép là 5%. Ví dụ như taxi Thành Công điều chỉnh tăng giá 500 đồng/km vì họ đầu tư xe mới là đúng.

Vậy thưa ông, trong 2 tháng nay, với mức giảm giá xăng 10% nêu trên, trong ngành vận tải, những loại hình doanh nghiệp vận tải nào đáng phải giảm giá rồi?

Một số doanh nghiệp taxi vừa rồi tăng giá theo giá xăng thì bây giờ phải giảm, còn đơn vị nào đã giữ nguyên thì không thể bắt họ giảm được.

Mức giảm đối với các doanh nghiệp taxi (đã tăng trước đó) là bao nhiêu phần trăm thì hợp lý thưa ông?

5% là hợp lý.

Xin cảm ơn ông!


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang