Giá xăng giảm, giá cước vận tải đứng yên: Ra tối hậu thư với doanh nghiệp chây ì

author 09:48 08/09/2015

Giá xăng dầu nhiều lần giảm nhưng ghi nhận của Tiền Phong ngày 7/9, giá cước vận tải tại Hà Nội vẫn cao và hầu như không có chuyển biến. Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau thời điểm 11/9 nếu DN vận tải không có phương án giảm giá cước sẽ bị xử phạt và bêu tên.

Cước taxi 10.000 đồng/km vẫn có lãi

Ngày hôm qua nhiều hãng taxi có tên tuổi như Mai Linh, Hà Nội Group, Xuân Thành, ABC… vẫn duy trì giá cước với xe 4 chỗ từ 12.000 đồng/km trở lên. Riêng Taxi Hà Nội Group thu của hành khách 14.400 đồng/km, giá cao nhất Hà Nội. Lý giải cho việc chưa giảm giá cước sau khi giá xăng nhiều lần giảm, đại diện nhiều hãng taxi cho rằng, họ có chi phí lớn cho quản lý nhân công, doanh nghiệp, hơn nữa các lần giảm giá xăng dầu trước đó đơn vị đã giảm.

“Giá xăng hiện nay chỉ chiếm 30 đến 35% chi phí giá thành, số còn lại là chi phí quản lý nhân công, doanh nghiệp. Giá cước 13.000 đồng/km với dòng xe Vios hiện nay là đã được hãng giảm dịp cuối tháng 8”, đại diện hãng Taxi ABC nói.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, giá cước taxi hiện nay ở mức từ 11.000 đồng/km trở xuống là hợp lý. Bởi khi giá xăng tăng lên 20.500 đồng/lít hồi đầu năm, hầu hết các hãng taxi đã tăng lên 12.000 đồng/km. Theo ông Bình, nay giá xăng dầu giảm gần mức tháng 2 đầu năm, các DN cũng cần giảm xuống mức này cho phù hợp.

Đại diện các hiệp hội vận tải cũng cho rằng, nếu tính toán giữa thu và chi thì cước ở mức 10.000 đồng/km, DN taxi vẫn có lãi.

Sau thời điểm 11/9 DN vận tải không điều chỉnh giá cước sẽ bị bêu tên. 

Phải điều chỉnh trước 11/9

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN vận tải khẩn trương tính toán giá thành, thực hiện điều chỉnh, kê khai giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu; đặc biệt là với các DN đã tăng giá cước tại thời điểm giá xăng dầu tăng trong năm 2015. Báo cáo giá cước được điều chỉnh về Sở Tài chính Hà Nội để thực hiện theo quy định trước ngày 11/9.

Về giá cước của một số hãng taxi hiện nay, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy các hãng Mai Linh, Hà Nội Group từ đầu năm đến nay từng giảm giá nhưng không đáng kể. Giá cước này vẫn cao so với thị trường. Do vậy trong những ngày tới Sở GTVT sẽ yêu cầu các hãng có giá cước cao lên báo cáo và phải xây dựng phương án điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo ông Long, đến cuối giờ chiều qua, Sở GTVT đã nhận được khoảng 20 phương án điều chỉnh giá cước của DN vận tải taxi và xe khách hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Nếu sau 7 đến 10 ngày cơ quan chức năng không có phản hồi thì các DN được thực hiện theo phương án đã điều chỉnh. Với các DN khác, từ nay đến trước 11/9, nếu không có phương án giảm giá sẽ bị liên ngành Tài chính - GTVT - Công an kiểm tra. “Cùng với việc xử lý vi phạm do áp dụng mức giá không đúng quy định, các DN còn bị liên ngành lập biên bản và bêu tên công khai”, ông Long nói.

Tại TP. HCM, đến chiều 7/9, mới chỉ có 10 trong tổng số hơn 200 đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Miền Đông và 1/14 hãng taxi đang hoạt động tại TP. HCM thông báo giảm giá cước theo giá xăng dầu. Số hãng taxi còn lại và nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn phớt lờ yêu cầu giảm giá.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe Miền Đông, bến xe có 214 đơn vị vận tải đang hoạt động nhưng đến nay mới có 10 đơn vị thông báo giảm giá cước với mức giảm từ 4-14%. Nhiều hãng xe đò liên tỉnh vẫn chưa giảm giá vé như một số hãng chạy tuyến TPHCM - Đắk Lắk, Gia Lai; TP. HCM- Vũng Tàu... Tại bến xe Miền Tây, số hãng xe giảm giá vé cũng đếm được trên đầu ngón tay. Giảm nhiều nhất là hãng xe khách Kim Hoàng (tuyến TPHCM - Trà Vinh) giảm từ 120.000 đồng/vé xuống còn 100.000 đồng/vé. Đại diện một số đơn vị vận tải tại hai bến xe nại lý do giá vé không giảm là vì phải bù đắp phí cầu đường, tiền lương tài xế, nhân viên tăng cao… 

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM, hiệp hội đã gửi văn bản đề nghị các thành viên giảm giá cước và kê khai niêm yết giá cước mới nhưng đến thời điểm này mới chỉ có hãng taxi Vinasun công bố giảm giá cước từ ngày 9/9 với mức giảm 500 đồng/km. 

Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước, hạn chót là ngày 11/9. Sau 5 ngày tiếp nhận từ các DN nếu thấy đơn vị nào kê khai giá cước cao bất thường so với giá thị trường, Sở sẽ tổng hợp trình UBND TP. HCM có ý kiến chỉ đạo.

Doanh nghiệp chỉ giảm giá khi bị thanh tra?

Đại diện Taxi Mai Linh chiều 7/9 cho hay, lãnh đạo hãng này quyết định giảm 300 - 500 - 800 đồng/km tùy khu vực và loại xe. Hiện Mai Linh đã thông báo giá mới đến các cơ quan chức năng và sẽ triển khai kiểm định lại đồng hồ; sớm nhất bắt đầu giảm cước từ ngày 10 hoặc 11/9 tới.

Ngày 7/9, ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch Cty Quản lý bến xe Hà Nội cho hay, hiện có khoảng 25 tuyến xe khách đăng ký giảm cước; mức giảm phổ biến 5-7%. Trong đó, có đơn vị giảm 3% như HTX vận tải Hoa Lư (giảm từ 150.000 đồng xuống 145.000 đồng cho tuyến Hà Nội- Hà Giang); Cty Thuận Ý Gia Lai (giảm từ 620.000 đồng xuống 600.000 đồng), Cty Hoàng Long (tuyến Hà Nội - Thái Bình, từ 77.000 đồng xuống 75.000 đồng). Những đơn vị giảm mạnh như: Bảo Khánh (tuyến Hà Nội - Phú Yên (Vĩnh Phúc), từ 30.000 đồng xuống 25.000); các tuyến giữa Hà Nội -  Hòa Bình giảm 10%.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, Bộ GTVT sẽ thành lập 3 đoàn thanh tra (mời Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tham gia) tại các địa phương. Theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT trước đó, các Sở GTVT địa phương phải báo về Bộ GTVT kết quả rà soát chi phí vận tải trước ngày 5/10 tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Quản lý nhà nước là ban hành văn bản, đôn đốc thực hiện đúng trình tự. Đơn vị nào không làm phải chịu trách nhiệm. Liên quan đến việc thanh tra giá cước hồi cuối năm 2014, ông Tuấn cho hay: Khi chưa thành lập các đoàn thanh tra, doanh nghiệp chây ì không chịu hạ giá cước phù hợp với sự giảm của nhiên liệu. Tuy nhiên, khi các đoàn thành lập, doanh nghiệp đã bắt đầu rục rịch hạ giá.

Dường như đang diễn ra một cuộc chơi thiếu sòng phẳng và có sự thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp vận tải dưới sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước.  Xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp vận tải tăng giá liên tục, nhưng ở chiều ngược lại, doanh nghiệp vận tải làm ngơ.

Đường sắt giảm giá vé

Công ty TNHH vận tải Đường sắt Sài Gòn vừa có thông báo điều chỉnh giá vé tàu nhằm phù hợp với giá nhiên liệu giảm để thu hút khách đi tàu. Thời gian áp dụng giảm giá vé từ ngày 5 đến hết ngày 11/9. Cụ thể, đối với tàu SNT2, SE26 giảm 10% giá vé hiện hành trong chặng từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang. Đối với tàu SNT1, SE25 giảm 10% giá vé hiện hành các loại chỗ cho các hành khách đi tàu từ ngày 7 đến hết ngày 11/9 từ ga Nha Trang đến ga Biên Hòa, Sài Gòn.

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang