Giá xăng và điện tăng, bình ổn giá coi như...vứt đi

author 06:12 04/08/2013

Sau việc tăng giá xăng, quyết định tăng giá điện vào chiều tối qua (31.7) đã làm cho các nỗ lực bình ổn giá hàng hóa khó khả thi. Nhiều mặt hàng, trong đó chủ yếu là thực phẩm, bắt đầu rục rịch tăng giá.

Hàng loạt phản hồi từ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy sẽ có đợt tăng giá mới từ đầu tháng 8. Điều này đang gây lo ngại cho không ít người tiêu dùng vốn đã chật vật với giá cả tăng chóng mặt hằng ngày.

Rục rịch tăng giá
 
Tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như Co.opmart, Metro, BigC... mặc dù thời điểm hiện tại, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn chưa niêm yết mức giá mới, nhưng theo ghi nhận, những siêu thị này đã được thông báo về việc tăng giá bán hàng hóa từ các nhà phân phối sản phẩm. Theo đó, tăng giá nhiều nhất vẫn là  thực phẩm thiết yếu như nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, sữa..., tùy sản phẩm sẽ tăng từ 5 – 15% mỗi mặt hàng. Một số nhóm hàng mỹ phẩm như nước giặt, nước xả vải, sữa tắm... cũng được thông báo sẽ nhích giá lên nhẹ không đáng kể.
 
Trong khi đó, nắm bắt được xu hướng tăng giá, nhiều cửa hàng bán lẻ trước đó đã kịp thời “ôm” hàng với mức giá cũ để bán rải rác cho đợt tới, tránh “bão” tăng giá. Chị Vân – chủ cửa hàng tạp hóa lớn ở khu đô thị Xa La (Hà Đông) - cho biết: “Nước mắm được báo sẽ tăng khoảng 30.000đ/thùng, mì tôm 
tăng 7.000đ/thùng, bánh Chocopie tăng thêm 3.000đ/hộp. Nhưng tôi vẫn bán với mức giá cũ do hàng vẫn còn tồn khá nhiều”. Không tăng giá bán nên hàng hóa tại đây bán khá chạy so với những cửa hàng lân cận. Tuy nhiên, theo chị Vân, giá này sắp tới sẽ phải tăng. Hết hàng tồn và lấy hàng mới, việc tăng giá là điều phải bắt buộc và phương án giảm số lượng hàng nhập đã được tính đến với không ít chủ hàng tạp hóa tại đây.
 
Tại TPHCM, sau 2 tuần giá xăng điều chỉnh tăng thêm, khảo sát các siêu thị cho thấy tình hình giá vẫn khá ổn định. Một số siêu thị như Co.opmart, BigC, Citimart cho biết chưa tăng giá ở nhiều ngành hàng. Đại diện siêu thị Citimart còn cho biết đang tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá. Siêu thị Maximart thì có chính sách khống chế mức tăng giá của các mặt hàng không quá 10%. Song song đó, chương trình bình ổn giá cũng đang góp phần kiềm chế giá bán trên thị trường, dẫn dắt giá thị trường qua việc vừa công bố giảm giá một số mặt hàng.
Hàng hóa sẽ tăng mặt bằng giá từ tháng 8.	Ảnh: D.H
Hàng hóa sẽ tăng mặt bằng giá từ tháng 8. Ảnh: D.H

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM - các DN tham gia chương trình bình ổn giá lương thực, thực phẩm TPHCM đã đồng loạt giảm giá bán để kích thích tiêu dùng và dẫn dắt giá thị trường. Giá đường, trứng gà, gạo trong chương trình bình ổn giá đã giảm từ 500 – 1.000đ/kg. Cty TNHH Vissan dù không thuộc nhóm hàng giảm giá nhưng vẫn ủng hộ người tiêu dùng bằng cách giảm thêm 5.000đ/kg cho mỗi sản phẩm.

 
Tăng theo xăng
 
Một số đại lý hàng hóa tại TPHCM cho biết trong tháng 8, thực phẩm ngoại nhập như bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp... sẽ phải nhích giá do các nhà cung cấp điều chỉnh giá. Còn tại các chợ, điều dễ nhận thấy là giá các mặt hàng thủy hải sản tươi sống đã nhích giá thêm 5.000 – 10.000đ/kg so với trước đây và được các tiểu thương lý giải do nguồn hàng tăng lên vì ảnh hưởng giá xăng đến chi phí đánh bắt, vận chuyển hàng. Các mặt hàng "bình dân" như rau, củ, quả cũng tăng giá từ 1.000 - 5.000 đồng/mớ/kg. Các loại thịt "phổ thông" như thịt lợn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg, gia cầm tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg...
 
Riêng về mặt hàng sữa, theo các cửa hàng, cuối tháng 7 đã có một số loại sữa tươi nước điều chỉnh tăng giá nhẹ, khoảng 6.000đ/thùng 24 hộp. Cty FrieslandCampina Vietnam cho biết do đã tăng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân lên 18%, nên  giá sữa nước tiệt trùng sẽ tăng thêm 2%/hộp. Riêng về mặt hàng sữa bột, hiện giá vẫn ổn định, Cty này chưa có kế hoạch điều chỉnh giá.
 
Có một thực tế nữa là dù giá chưa tăng ngay vào thời điểm hiện tại, nhưng nhiều mặt hàng tại Hà Nội đã được niêm yết với mức giá mới tại một số siêu thị. Điều này tạo nên sự chênh lệch giá đáng kể trên thị trường hàng hóa Hà Nội. Xu hướng chung là vị trí cửa hàng ở trung tâm nội thành bao giờ cũng bán hàng với mức giá cao hơn, đặc biệt là sữa bột. Một hộp sữa Nutifood IQ 900gr bán tại đại lý sữa khu Linh Đàm có giá 320.000đ thì vào đến trung tâm thành phố, giá sữa đã “đội” lên 354.000đ/hộp.
 
Sữa Nutifood 400gr có nơi bán chỉ 165.000đ/hộp nhưng cũng có nơi bán tới 194.000đ/hộp... Các phụ huynh thường xuyên mua sữa cho con nếu tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra sự chênh lệch này, buộc họ phải “săn lùng” những nơi bán sữa rẻ hơn. Chị Nguyễn Thị Thơm (KĐT Linh Đàm) phàn nàn: “Sự chênh lệch tuy không lớn, nhưng là mỗi thứ một ít, điều này tạo tâm lý về thiếu bình ổn giá trên thị trường đối với người tiêu dùng”.
Theo Lao Động

 

 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang