Giấc mơ người "tỉnh lẻ"

author 06:05 01/10/2012

(VietQ.vn) – Một thời gian dài, người dân ngoại tỉnh bị hạn chế nhập cư vào Đà Nẵng, một phần bởi… sức nặng của quán tính.

Định luật Newton và câu chuyện tập thể dục sáng

Sách Vật lý ở phổ thông đã phổ biến cho người ta biết về định luật quán tính nổi tiếng của Newton: “Nếu một vật không chịu tác dụng của lực nào hoặc chịu tác dụng của các lực có hợp lực bằng không thì nó giữ nguyên trạng thái đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều”.

Điều đó nêu lên một đặc tính quan trọng của một vật chuyển động, là khuynh hướng giữ nguyên trạng thái chuyển động, nếu không có tác động của các yếu tố bên ngoài.

Nhưng Newton không thể lường trước được rằng, ở Việt Nam, sau nhiều thế kỷ ông mất, vẫn có nhiều điều nghiệm đúng định luật vĩ đại của ông, vượt xa phạm vi môn vật lý.

Số là, ở một khu tập thể cũ của Hà Nội, một hôm, các cụ già rủ nhau cùng dạy sớm để tập thể dục, tập võ thái cực…ở sân của tập thể. Nhưng khổ nỗi, để tập được, phải có nhạc bật oang oang nên nhiều gia đinh xung quanh sân bị ảnh hưởng, bị đánh thức từ 5 giờ sáng.

Tập thể dục ở công viên sẽ không làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tập thể dục ở công viên sẽ không làm ảnh hưởng đến cộng đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nhiều người là công nhân phải đi làm ca đêm, mới chợp mắt được vài tiếng đã bị tra tấn bởi tiếng đài, nhiều học sinh, sinh viên học khuya, ngày nghỉ muốn chợt mắt ngủ thêm một chút nhưng cũng đành vật vã trên giường bởi tiếng hô hào của các cụ trong “phần chơi” bóng hơi, sau khi tập thái cực quyền.

Nhưng chả ai dám nói, bởi vị thế của những người dậy sớm kia lớn cỡ nào.

Cho đến khi mấy gia đình có con nhỏ. Các cháu bị đánh thức sớm, khóc “oa oa” đầy thương cảm. Nhiều bà mẹ đã cất tiếng nói đề nghị các cụ già hãy vì các cháu nhỏ, di chuyển nơi sinh hoạt buổi sáng ra khu đô thị bỏ hoang gần đó, vừa trống trải, vừa có mái che tránh mưa.

Một thời gian sau, lời đề nghị của các bà mẹ mới thành hiện thực.

Sách giáo khoa và chuyện cấm nhập cư

Giảm tải sách giáo khoa, thay sách mới, không cần tốn nhiều tiền…” – những lời đề nghị tâm huyết của các chuyên gia giáo dục có lẽ vẫn chưa thật sự “lọt tai” nhiều nhà quản lý.

Bằng không, người ta sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nên làm sách giáo khoa thế nào, cắt phần nào, thêm phần nào…để các cháu nhỏ không bị nhồi nhét, không có cớ gì bị ép học thêm, không phải học những thứ mà ra đời không dùng đến…

Điều đó càng có ý nghĩa với người nghèo, vì họ sẽ bớt chi phí mua sách, con của họ có thể ra trường sớm phụ giúp mẹ cha xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Nhưng với việc xác định chương trình chuẩn là 12 năm bậc phổ thông, người ta đã đẩy giấc mơ con trẻ được học nhẹ nhàng, thiết thực sang một tương lai xa tít.

Dù vậy, tuần qua, người nghèo vẫn được khích lệ lớn khi thông tin Đà Nẵng buộc phải bãi bỏ quy định hạn chế nhập cư của mình đã được một số ít tờ báo đăng tải. Nghĩa là, người dân ở ngoại tỉnh, muốn vào TP bên sông Hàn mưu sinh, vẫn được đăng ký thường trú, và xa hơn là nhập cư vào nơi đây.

Vì sao người nghèo phải đổ về thành phố mưu sinh. Ảnh: internet
Nếu chỉ làm ruộng ở nông thôn, người nghèo có đủ tiền cho con ăn học ở thành phố?  Ảnh: internet

Chả ai muốn xa rời gia đình, con cái để lên một nơi lạ hoắc kiếm ăn. Nhưng trong khi thành phố được đầu tư nhiều hơn nông thôn về mọi mặt, cơ hội kiếm tiền dễ hơn…thì họ sẵn sàng bán hàng rong, làm bốc vác…để có thể gửi tiền về nuôi những đứa con bé thơ, gửi tiền cho những ông bố - bà mẹ già không còn sức lao động.

Báo chí đã nói đến “những ngôi làng rỗng”, nơi những người lứa tuổi lao động lên hết thành thị sinh nhai. Hy vọng những bài báo đó được dán lên phòng của nhiều nhà quản lý, để họ hiểu tại sao người nghèo phải làm vậy, để cảm nhận được lý do các nhà báo có tâm lại viết bài phản biện một chính sách của Đà Nẵng, dù rất ủng hộ những việc làm đổi mới khác của TP này.

Cần một “cú hích”

Để thay đổi quán tính, cần một “cú hích”, như việc các bà mẹ ở khu tập thể cũ của Hà Nội đã lên tiếng cho con mình không bị ô nhiễm âm thanh vào mỗi buổi sáng mai.

Nhưng để đổi mới sách giáo khoa, có lẽ cần những “lực tác động” ở phía cao hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo để không bị chi phối bởi những lợi ích nhóm.

Cũng vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi của người nghèo theo luật Cư trú, cần lắm những tiếng nói của các lãnh đạo có tâm, cần lắm những đại biểu quốc hội hiểu lòng dân…mới có lý lẽ và bản lĩnh phản biện những điều đổi mới chưa được dân nghèo đồng tình.

Đương nhiên, không thể thiếu tiếng nói của các tờ báo, nhà báo có lương tâm, tác nghiệp vì cộng đồng.

Nên ngay từ bây giờ, rất mong những cơ quan truyền thông gần gũi với nhân dân TP Đà Nẵng và những nơi khác, sẽ không im lặng như những ngày vừa qua, mà công khai thông báo cho những người đóng thuế để nuôi mình, rằng họ vẫn được Nhà nước đảm bảo quyền lợi về cư trú.

Khi ấy, những "lực quán tính" dù mạnh cũng không thể cản giấc mơ, khát vọng được sống đàng hoàng, ngày một an khang...của những người dân nghèo đất Việt.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang