Giải bài toán giảm chi phí logistics cho ngành nông sản Việt

author 07:11 14/10/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, hạ tầng và chi phí logistics (phí vận chuyển) là một trong những vấn đề cần phải giải quyết để tăng ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt.

Thời gian qua, ngành nông sản Việt Nam đối mặt với bài toán cắt giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh quốc tế trước những ảnh hưởng của Covid-19 và tác động của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVFTA). Nông sản Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là sự cạnh tranh về giá. Một trong những nguyên nhân đội giá cho nông sản Việt là chi phí logistics.

Chở vải thiều bằng xe lạnh từ Bắc Giang vào Tiền Giang để xử lý trước khi xuất khẩu sang Mỹ, Úc. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp chiếm 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% các nước trong khu vực. Đơn cử, theo báo cáo Logistic Việt Nam 2019, cà phê là một trong những mặt hàng bị đội chi phí vận chuyển khá nhiều khi đưa sản phẩm từ Tây Nguyên xuống cảng Cát Lái. Tổng chi phí logistics vận tải nội địa năm 2018 của mặt hàng này là 35 triệu USD, xấp xỉ 10% tổng giá trị xuất khẩu.

Các chuyên gia nhận định, hạ tầng và chi phí logistics là một trong những vấn đề cần phải giải quyết để tăng ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt. Trong bối cảnh nền nông nghiệp toàn cầu đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khiến nguồn cầu sụt giảm, bài toán này càng phải nhanh chóng tìm ra lời giải hơn bao giờ hết.

Là doanh nghiệp nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam chia sẻ, đây là vấn đề rất "đau đầu" với tất cả những đơn vị đang tham gia chuỗi giá trị nông sản Việt.

Bên cạnh đó, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng, do tính mùa vụ và manh mún, nông dân hay doanh nghiệp không dám đầu tư lớn cho đội xe, nhà kho chỉ để phục vụ những sản phẩm làm được một mùa hay một vài tháng. Hầu hết doanh nghiệp chưa xây dựng được lòng tin giữa ngành nông sản và ngành logistics.

Tỷ lệ mua ngoài về dịch vụ logistics hiện nay cần tăng lên. Nhiều doanh nghiệp nông sản tự duy trì đội xe, nhà kho, hay năng lực vận chuyển cho chính bản thân mình. Điều này thể hiện họ không có lòng tin với doanh nghiệp logistics. "Mùa cao điểm của nông sản Việt, chi phí vận chuyển Bắc - Nam khá cao. Một doanh nghiệp ở Bình Thuận có khi phải trả đến 70 triệu đồng cho một container đi lên cửa khẩu", ông Trần Đức Nghĩa cho hay.

Còn theo ông Triệu Thành Nam, Phó Trưởng phòng Chính sách thương mại, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vận chuyển nông sản ở nhiều nước trên thế giới linh hoạt cả đường sắt, đường thuỷ. Việt Nam chủ yếu sử dụng đường bộ. Vì vậy, Việt Nam cần phải đầu tư về hạ tầng nhiều hơn nữa để giảm chi phí, đồng thời đa dạng hoá phương thức vận chuyển.

Ngoài ra, ở một số quốc gia chi phí logistics thấp, hoạt động hiệu quả, bởi họ có 10-20% lượng xe trọng tải dưới 5 tấn. Còn ở Việt Nam, xe tải dưới 5 tấn là 80%. Điều này cho thấy, ngay trong hoạt động vận tải đường bộ ở Việt Nam cũng thiếu hiệu quả.

Đồng thời, bà Hằng cũng gợi ý, cơ quan chức năng cần cho phép những xe tải lớn hơn, vận chuyển thực phẩm vào trong thành phố với nhiều khung giờ hơn như dán một loại tem ưu tiên, nhằm giảm những chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng logistics, tăng sức cạnh tranh cho hàng ViệtChi phí logistics ở mức cao đang là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt khó có thể nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Do đó, việc đầu tư cho ngành logistics được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang