Giải bài toán phát triển BHXH tự nguyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

author 06:52 08/03/2020

(VietQ.vn) - Với người dân các vùng dân tộc thiểu số, công tác phát triển BHXH tự nguyện vẫn là một bài toán khó. Do vậy việc đổi mới công tác tuyên truyền là việc làm thiết thực và cần phải triển khai sâu rộng.

Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký phê duyệt ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg vào ngày 21/11/2019. Đề án quán triệt rõ quan điểm: Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH là chủ trương nhất quán cả trước mắt và lâu dàu bảo đảm nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Công tác tuyên truyền phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.

BHXH ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. 

Hoạt động tuyên truyền phải lấy đối tượng được tuyên truyền làm trung tâm, chú trọng đối tượng là cán bộ, đảng viên; trong nhóm đối tượng được tuyên truyền là nhân dân chú trọng lao động là nông dân, khu vực phi chính thức.

Hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tăng cường sử dụng công cụ truyền thông đa phương tiện, áp dụng công nghệ cao, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền BHXH.

Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH nhằm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức từ đó tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách BHXH hướng đến BHXH toàn dân.

Đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền về những nội dung cải cách của chính sách BHXH. Đến năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến những nội dung của chính sách BHXH mới.

Về nội dung tuyên truyền, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% nội dung tuyên truyền phù hợp với định hướng cải cách chính sách BHXH theo từng giai đoạn. Về hình thức tuyên truyền, tăng cường hình thức tuyên truyền hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ (mạng xã hội; đoạn phim ngắn,…). Về phương pháp tuyên truyền, kết hợp hài hòa giữa hình thức tuyên truyền thường xuyên với hình thức tuyên truyền theo chiến dịch, ưu tiên tuyên truyền theo chiến dịch trong giai đoạn thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH. 

Đặc biệt, một trong những giải pháp đáng chú ý mà Đề án đưa ra là hàng năm tổ chức tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và mở rộng đội ngũ tuyên truyền viên về BHXH. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về BHXH tập huấn cho đội ngũ giảng viên nguồn về tuyên truyền BHXH. Cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ tuyên truyền viên về BHXH trong phạm vi quản lý: Tuyên truyền viên về BHXH là cán bộ, công chức, viên chức và người có uy tín, kiến thức, am hiểu về chính sách BHXH.

Cần tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền nhằm đưa BHXH đến gần hơn với người dân vùng dân tộc thiểu số. 

Tuy nhiên, một điểm đặt ra là làm sao để phát triển BHXH tự nguyện trong đồng bào dân tộc thiểu số? Theo Trưởng Phòng khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh Hà Giang) Nguyễn Trí Diện, năm 2019, cơ quan này được giao chỉ tiêu tăng mới hơn 1.000 đối tượng là người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, con số này khó có thể đạt được. Bởi vì, trong vòng 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh chỉ tăng mới hơn 1.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện. Trên địa bàn tỉnh có 134/195 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào còn rất khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh, do đó người dân chưa có điều kiện tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Người lao động khi tham gia BHXH sẽ được hưởng quyền lợi trước những rủi ro trong quá trình làm việc như tai nạn, ốm đau, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn người già ở các vùng nông thôn không có lương hưu phải sống phụ thuộc vào con cái. Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia để nâng cao độ bao phủ của BHXH đến với người dân là hết sức cần thiết. Bản thân nhiều người dân cũng biết lợi ích từ việc tham gia BHXH mang lại rất lớn và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH thuộc diện hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo là 25% và 10% là mức hỗ trợ cho các đối tượng khác, tuy nhiên, một số người dân đang tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Yên Minh (Hà Giang) vẫn lo lắng vì công việc bấp bênh không ổn định, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khó có thể duy trì việc tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Theo khảo sát, không chỉ Hà Giang cũng còn rất nhiều địa phương khác dân số chiếm đến hơn 80% đồng bào là người dân tộc thiểu số. Thế nhưng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền ở những địa phương này để người dân hiểu rõ hơn việc tham gia BHXH với những lợi ích thiết thực cho đời sống.

Bảo hiểm y tế: Chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc(VietQ.vn) - Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang