Giải ‘bài toán’ tiêu chuẩn chất lượng về khẩu trang cho thị trường xuất khẩu

author 11:10 09/05/2020

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp Việt xuất khẩu khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân vào thị trường Hoa Kỳ, EU… sẽ phải đáp ứng điều kiện của FDA và CE , đây là những thị trường có tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đến cuối tháng 3/2020, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều. Và không chỉ có doanh nghiệp dệt may, một số doanh nghiệp ngoài ngành cũng tham gia cuộc đua đang chuyển biến từng ngày. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến ngày cuối tháng 4/2020 cả nước xuất khẩu được gần 500 triệu chiếc khẩu trang vào các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, EU…

Xuất khẩu khẩu trang vào thị trường Mỹ và EU, thì việc tự công bố, khai báo cần được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro. 

Thế nhưng để vào được các thị trường này, khẩu trang Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó là, tiêu chuẩn về dán nhãn CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường) tại thị trường EU và Mỹ và chứng nhận FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Mỹ).

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2020, khẩu trang các loại, bao gồm cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế, đã được tự do xuất khẩu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy nhiên, khẩu trang, cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể bị khó khăn khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại.

Thông tin về các quy định về FDA và CE, ông Đinh Ngọc Long, Chuyên gia đánh giá Trưởng Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lưu ý, về dán nhãn CE, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ chỉ thị sản xuất đối với từng loại sản phẩm áp dụng đã được quy định theo tiêu chuẩn hàng hóa EU ban hành. Ngoài ra cần phải xác định được quy trình sản xuất, phương pháp thử nghiệm, thông số kỹ thuật, thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn của các nước.

Đối với chứng chỉ FDA, tất cả những mặt hàng thuộc FDA quản lý đều phải đăng ký để được phê duyệt trước khi đưa ra thị trường. Trong đó, các bước để được cấp FDA bao gồm: Đăng ký, khai báo, nộp phí, chờ kết quả. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho việc đánh giá của FDA bất cứ lúc nào mà không có thông báo trước.

Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn FDA chính là những quy định nghiêm ngặt, khắt khe của Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA). Tiêu chuẩn FDA là những kết luận đưa ra, giám sát mức độ an toàn cho những sản phẩm nằm trong danh mục quản lý của mình và lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ.

FDA cũng giám sát độ an toàn của tất cả các sản phẩm từ nhà sản xuất muốn đưa sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu không có giấy chứng nhận FDA và tuân thủ quy định của FDA thì sản phẩm đó sẽ không được lưu hành tại thị trường này.

“Khi một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ và bảo vệ môi trường của EU. Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ về sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking”, ông Long cho hay.

Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, không phải tất cả các sản phẩm phải có dấu CE. Dấu CE chỉ bắt buộc đối với các sản phẩm có thông số kỹ thuật của EU. Một số sản phẩm phải tuân theo nhiều yêu cầu của EU cùng một lúc. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang thường thì không cần nhãn CE, nếu xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế thì cần nhãn CE.

Theo ông Long, để được gắn dấu CE cho một sản phẩm, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước thực hiện như: Xác định các chỉ thị áp dụng và tiêu chuẩn liên quan; xác định yêu cầu cụ thể sản phẩm (xác định cấp, đánh giá rủi ro, thiết kế sản phẩm, vật liệu chế tạo); đánh giá sự phù hợp...

Cũng theo các chuyên gia, về lâu dài, để mặt hàng khẩu trang có thể xuất khẩu thuận lợi, đặc biệt là vào vào thị trường khó tính và đòi hỏi cao như Mỹ và EU, thì việc tự công bố, khai báo cần được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao sức cạnh tranh.

Khẩu trang, câu chuyện thương hiệu quốc gia và tương lai hậu Covid-19(VietQ.vn) - Khi cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm thì tự khắc hình ảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam trong bạn bè quốc tế cũng sẽ là hình ảnh một đối tác tin cậy, luôn trọng tín và trọng tình.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang