Giải bài toán tiêu thụ nông sản 'vừa mừng, vừa lo'

authorUyên Triệu 06:35 15/10/2018

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thời gian tới, cần phải tăng cường thực hiện chính sách liên kết giữa 5 nhà để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng gia tăng chất lượng, giá trị.

Nông sản Việt với câu chuyện "vừa mừng, vừa lo”

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, lũy kế từ đầu năm 2018 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 29,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 73% kế hoạch năm. Trong năm 2017, xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 36,37 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 25,7 tỷ USD. Dự báo tới năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng đạt khoảng 40 tỷ USD. Hiện đã có tới 10 sản phẩm nông sản Việt Nam đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: Lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra, cao su, sắn, hạt điều, rau quả…

Còn thị trường nội địa, các sản phẩm nông sản của nước ta đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước với sự xuất hiện của một loạt các thương hiệu nông sản Việt, cùng hàng loạt chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản đã được thiết lập như hệ thống 4.000 của hàng tiện ích của Vinmart, chuỗi các siêu thị Big C, Saigon Co.opmart…

Theo ông Thào Xuân Sùng Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế hiện cũng phải công nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

“Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, ví dụ như đến tháng 4.2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Ông Thào Xuân Sùng cho rằng, thời gian qua, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản có nhiều tín hiệu đáng mừng. Ảnh: TTXVN

Còn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì nhấn mạnh, năm 2018, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La... Riêng vụ vải thiều của Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.700 tỷ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác.

Thêm vào đó, còn có tin vui nữa là việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang làm thủ tục công nhận thủ tục về cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Phía Hoa Kỳ đã kểm tra thực địa và đánh giá chúng ta sản xuất cá tra rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành thủ tục về cá tra. Vừa rồi, thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải. Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng… Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc được mùa mất giá, các cấp, ngành và xã hội liên tục kêu gọi giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, heo (lợn)…

Liên quan tới vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường. Theo quy luật của thị trường, cung nhiều hơn sẽ làm giá không tốt được, nhưng nếu làm tốt khâu tiêu thụ thì sẽ vẫn bán được với giá tốt. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam.

“Nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt, nhưng hiện nay chủ yếu chúng ta sản xuất thô, chế biến sâu ít, sản xuất tự do theo thói quen, không gắn kết với tiêu thụ, hàng triệu người nông dân trở thành người bán hàng thì đương nhiên sẽ ít người mua. Thị trường ở đây, không phải là chợ trong nước cho hơn 90 triệu người dân mà cho 7 tỷ người trên thế giới. Vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương…, gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác được tiềm năng này”, Phó Thủ tướng nói.

Giải pháp phát triển nông sản

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, chợ nông sản toàn cầu là vô cùng rộng lớn, cơ hội nhiều nhưng ngày càng phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao. Đặc biệt, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lên cao, nông sản Việt Nam vào thị trường các nước khác phải chấp nhận có những yêu cầu khó tính đến bất ngờ.

Cũng chính vì vậy mà TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, có cam kết đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, nông dân, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ cam kết ấy theo đúng thông lệ quốc tế.

“Về chính sách phát triển hạ tầng tiêu thụ nông sản, chúng ta đang thúc đẩy phát triển, xây dựng chợ đầu mối, phát triển thị trường tiêu thụ tương lai để phân chia rủi ro, giảm trung gian, tiêu thụ thuận lợi với giá tốt hơn”, TS Tuấn nói.

Phát triển thị trường tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Ảnh: báo Vĩnh Long 

Đồng quan điểm trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói thêm rằng, thời gian tới, chính sách liên kết giữa 5 nhà phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa, trong đó vai trò dẫn dắt của hợp tác xã rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ.

“Thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư. Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tình trạng được mùa mất giá, ế thừa nông sản sẽ ngày càng giảm đi, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng cao”, Phó Thủ tướng khẳng định

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, vấn đề về thương hiệu nông sản là hết sức quan trọng. Bởi, hiện có rất nhiều nông sản của chúng ta đã có thương hiệu, đã xây dựng được thương hiệu nhưng không giữ được.

Do đó, để thương hiệu thực sự bền vững, nông sản phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng, đó là: Chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm.

Để đáp ứng được 2 yêu cầu này, thời gian qua, Bộ NNPTNT luôn có chương trình lựa chọn những cây, con giống chất lượng cao, đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương xây dựng những quy chuẩn phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Có như thế chúng ta mới mong xây dựng thương hiệu bền vững cho nông sản Việt.

Bảo Lâm

Khơi thông dòng chảy hàng hóa nông sản sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích(VietQ.vn) - Câu chuyện nông sản Việt Nam “bị” giải cứu luôn được nhắc đến từ nhiều năm nay, từ dưa hấu, xu hào, củ cải, chanh leo của năm 2017, 2018 lại tiếp tục xuất hiện thêm hồng Đà Lạt, dứa Thanh Hóa, chuối Đồng Nai, Thanh long Bình Thuận...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang