Giải cứu 12 người mắc kẹt trong vụ sập hầm: Vì sao thành công?

author 08:00 20/12/2014

16h30' chiều 19/12, 12 công nhân bị mắc kẹt dưới hầm thủy diện Đạ Dâng đã được giải cứu thành công. Không chỉ PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường mà tất cả những người có mặt tại đây cũng như những người được thông tin đều vỡ oà trong niềm vui khôn tả. Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh bật mí bí quyết chạm hầm sớm hơn dự kiến....

Sớm hơn dự tính rất nhiều, 12 công nhân được đưa ra khỏi hầm trong niềm vui của hàng trăm công binh và các lực lượng cứu hộ, các công ty cử người ứng cứu tại hiện trường. Và đặc biệt là trong nước mắt vui sướng của người thân.

Mọi kế hoạch được triển khai trên thực tế đã thuận lợi hơn dự kiến và đường hầm đã thông trước khi có người bị kẹt kiệt quệ và không cầm cự nổi. "Chúng tôi không gặp đá, mừng quá, có thể đưa anh em ra sớm giờ nào quý giờ đấy", một công binh trao đổi với phóng viên.

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho phóng viên biết, mới đào được nửa đường hầm theo kế hoạch, đến mét thứ 15, lực lượng công binh thấy một lỗ hổng có ánh sáng, anh em quyết định đào chéo theo hướng đó và phát hiện khoang hầm bị sụt chặn cửa ra, khoá chặt 12 công nhân bên trong.

Như vậy, khi mũi khoan từ đỉnh đồi xuống còn gặp nhiều trục trặc, từ đường hầm chữ A men theo lòng hầm bên trái, do không gặp nhiều đá ngăn đường và đột ngột phát hiện ánh sáng, các chiến sỹ công binh đã đến đích sớm hơn dự kiến.

Trả lời phóng viên về thành công này, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng cho biết, mũi đào hầm thứ hai, bắt đầu sau nhưng lại đến đích trước đã đưa được 12 công nhân mắc kẹt ra ngoài. "Anh em đã rất cố gắng, sử dụng cách đào hầm truyền thống của cha ông ta và cũng là bí kíp đào hầm của công binh, khoét sâu vào lòng hầm, hướng vào mục tiêu là khu vực sụt lở, kết quả đã chạm đích sớm hơn mong đợi", Đại tá Hùng không giấu được vui mừng.

Ngay đầu giờ chiều nay, khi mũi khoan tháo nước trong hầm thành công, nhiều người đã hy vọng sớm nhất tối nay có thể đưa người đầu tiên thoát khỏi khu hầm sập. Ban chỉ đạo cứu hộ cứu nạn tại công trườngxác định đêm nay có thể tiếp cận hầm sụt và đưa người đầu tiên ra ngoài.

Tính đến 13h44' chiều nay, lực lượng cứu hộ bên ngoài đã nói chuyện được với các công nhân. Tin vui là nước đã rút hết, sức khỏe 12 công nhân cũng khá hơn nhiều và có thể đi lại được bên trong hầm.

Do ngay trong chiều nay, các lực lượng bên ngoài đã diễn tập ứng phó khi đưa được công nhân mắc kẹt trong hầm ra nên các thao tác thực tế hết sức nhanh gọn, nhịp nhàng với mục tiêu hỗ trợ y tế sớm nhất với người bị nạn. Hầu hết các công nhân có thể tự đi khỏi hầm, chỉ có 2 hoặc 3 người phải đưa ra bằng cáng.

Tính đến 19h30’ tối nay, phóng viên cũng cập nhật nhanh thông tin về sức khoẻ các nạn nhân cho hay, Bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã xác nhận, trong 12 bệnh nhân vừa được đưa ra khỏi hầm đã có 10 người có thể ăn uống được.

Hai người yếu nhất đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện này. Người yếu nhất là chị Ngọc, khi vừa ra khỏi hầm đã có dấu hiệu suy kiệt, choáng váng. Sau khi được chăm sóc hiện đã tạm ổn. Người yếu thứ hai đang được truyền dịch đường và muối, sức khoẻ không có dấu hiệu xấu đi.

Tại Nghệ An có 3 nạn nhân trong cùng một huyện, gồm: Phạm Viết Nam (SN 1973, quê xóm 10, xã Cát Văn); Đặng Thị Hồng Ngọc (SN 1988, xóm 10, xã Cát Văn) và Phạm Viết Lành (SN 1994, xóm Đại Sơn, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương). Chị Ngọc là em dâu của anh Phạm Viết Nam. Giữa anh Nam và Lành lại có quan hệ họ hàng.

“Hôm 16/12, khoảng 2 tiếng sau vụ sập hầm là chúng tôi ở nhà nhận được tin, nhưng phải đến chiều hôm đó, chúng tôi mới biết rõ là cả con trai và con dâu cùng mắc kẹt dưới hầm. Bà nhà tôi sức khỏe yếu, cứ nhắc đến con lại khóc, không ngủ, không ăn uống gì, suốt ngày khóc. Vừa lo cho tính mạng của con đang gặp nguy hiểm lại vừa lo cho bà ấy, không chịu đựng được mà quỵ xuống thì chẳng biết dựa vào ai”, ông Phạm Viết Diệm nói. Gia đình có 7 người con, 3 người làm công nhân thủy điện (2 con trai, 1 con dâu). Tất cả đã di chuyển vào Lâm Đồng chờ tin.

Vợ ông, bà Hoàng Thị Bình, xem video các công nhân đang chuyền cháo qua đường ống vào cứu 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm, nhận ra con trai mình: “Thằng Bắc đấy! Nó đang tiếp tế đồ ăn, liên lạc với anh nó”, rồi lặng đi. Cùng đào hầm làm thủy điện với vợ (Đặng Thị Hồng Ngọc) và anh trai, khi tai nạn ập đến, anh Bắc thoát nạn vì đang lao động bên ngoài khu vực hầm sập. Qua lời kể của mẹ anh, được biết, sau đám cưới, vợ chồng Bắc sinh con, nay 4 tuổi. Gửi  con cho ông bà nội, anh Bắc và vợ vào Nam làm công nhân. Trước đó, chàng trai quê Thanh Chương từng xông pha trên công trường thủy điện Ialy.

Sáng cùng ngày, phóng viên Tiền Phong có mặt tại gia đình ông Phạm Viết Khang (xóm 12, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương) - bố của anh Phạm Viết Lành. Lành là con trai út. Cuộc sống ở quê lam lũ, Lành theo một số người vào Lâm Đồng xin làm công nhân lao động ở công trường thủy điện. “Những giờ phút qua, cả nhà như ngồi trên đống lửa”, ông Khang bảo. Rất đông hàng xóm láng giềng kéo đến động viên, chia sẻ với gia đình người bị nạn.

Chiều 19/12, nghe tin 12 công nhân đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài an toàn, xóm nhỏ vỡ òa niềm vui. “Con trai, con dâu của gia đình tôi đã may mắn thoát nạn. Chúng tôi vô cùng biết ơn lực lượng cứu hộ đã không quản ngại ngày đêm, bất chấp nguy hiểm, cứu người. Xin chia sẻ niềm vui với các gia đình có con bị nạn vừa được giải cứu”, người cha không giấu nổi giọt nước mắt lăn trên gò má. Đang ngồi ủ dột ở hiên nhà, bà Bình nhảy lên vui mừng. Người mẹ thở phào nhẹ nhõm.

 

Theo GTVT - Tienphong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang