‘Giải cứu’ lợn thịt: Bộ Nông nghiệp cử người đi đàm phán xuất khẩu sang Trung Quốc

authorĐỗ Thu Thoan 15:17 24/04/2017

(VietQ.vn) - Thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam chưa nhiều, trong khi nhu cầu Trung Quốc rất lớn. Bộ Nông nghiệp đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Thông tin được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi vừa được diễn ra tại Bộ sáng 24/4. Hội nghị diễn ra nhằm bàn việc “giải cứu” giá thịt lợn đang giảm giá nhanh, người chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản, dẫn nguồn tin Dân trí cho biết.

Theo ông Cường: Thịt lợn xuất của của Việt Nam chưa nhiều, trong khi nhu cầu của các nước ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc rất nhiều. Bộ đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

giai-cuu-lon-thit-bo-nong-nghiep-cu-nguoi-di-dam-phan-xuat-khau-sang-trung-quoc

Bộ Nông nghiệp đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Bộ trưởng cho hay, nhân dịp hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam sắp tới, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sẽ sang làm việc trực tiếp với Việt Nam về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt lợn. Bộ trưởng kỳ vọng 2 bên sẽ tìm được giải pháp để xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.

Cũng theo Dân trí, tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết, giá lợn thịt đang thấp nhất trong lịch sử và cũng thấp nhất trên thế giới, chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, một số nơi chỉ 25.000 đồng/kg.

Ông Cường cũng chỉ ra nguyên nhân là vì: Nguồn cung thịt lợn lớn dẫn tới dư thừa. Khâu chế biến yếu. Việc giết mổ trong nước chủ yếu bán tươi, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài. Giá trị gia tăng của thịt lợn không cao.

Tổ chức thị trường kém, chưa phát triển, chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ, người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước những biến động thị trường.

Theo đó, ông Cường đưa ra giải pháp, phải nhanh chóng giảm số lượng heo thịt. Tăng cường chế biến sâu chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt lợn và đặc biệt, hướng đến xuất khẩu chính ngạch thịt lợn ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc.

Thương lái buôn thịt lợn ‘ăn dày’, người chăn nuôi và tiêu dùng chịu thiệt(VietQ.vn) - Gần 2 tháng nay, những người chăn nuôi heo đang khóc ròng vì giá heo hơi bán tại chuồng xuống thấp. Tuy nhiên giá thịt lợn được bán ngoài chợ vẫn không hề giảm.

Theo đó, báo Người lao động cho biết thêm, tham dự hội nghị còn có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt như: CP Việt Nam, Dabaco Việt Nam, Massan, Lái Thiêu…

Theo đại diện Công ty Dabaco, đơn vị này đã giảm giá thức ăn, con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi. Không tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Dabaco kiến nghị Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái, không để phát triển ồ ạt. Cuối cùng là thành lập hiệp hội chuyên về chăn nuôi lợn.

Dẫn lời ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Người lao động cho biết dù giá heo của nông dân bán giảm thê thảm nhưng giá thịt trên thị trường vẫn không giảm giá bao nhiêu, vậy đây là vai trò của Bộ Công Thương.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị giảm giá thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp thu mua cố gắng tăng cường thu mua lợn quá lứa.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Đồng Nai, lắng nghe và thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn. Bộ đang giao Cục Thú y tạo ra các vùng an toàn dịch bệnh để xúc tiến xuất khẩu thịt lợn. Chúng tôi làm việc với TP HCM, các cơ sở chế biến, tiêu thụ… động viên tăng cường giết mổ, thu mua, cấp đông. Tính tới việc giảm giá chi phí như việc: hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho người chăn nuôi”, ông Tám nói.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang