Giải đáp tất cả thắc mắc về kỳ thi Quốc gia 2015

author 07:56 26/07/2014

(VietQ.vn) – Kỳ thi Quốc gia 2015 sẽ thi tại các địa phương, là căn cứ để các trường xét tuyển vào đại học.

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Chất lượng Việt Nam đã trao đổi với một số chuyên gia liên quan đến kỳ thi Quốc gia 2015 (thi ĐH 2015) để làm rõ các vấn đề mà độc giả quan tâm.

Kỳ thi Quốc gia 2015, thi ĐH 2015, thi đại học 2015

Kỳ thi Quốc gia 2015 (thi ĐH 2015) sẽ có nhiều thay đổi quan trọng

- Đây có phải là kỳ thi "gộp", "thi chung" như các báo nói không?

- Đây không hẳn là kỳ thi "gộp". Kỳ thi Quốc gia là một kỳ thi có 2 chức năng: xét tốt nghiệp và phân loại năng lực của các thí sinh. Nó là thước đó các "thông số" của các thí sinh, là căn cứ quan trọng cho các trường xét tuyển vào ĐH.

- Chức năng xét tốt nghiệp THPT của kỳ thi này như nào?

- Kỳ thi này có điểm giống với chương trình "Ai là triệu phú". Nghĩa là các câu đầu hỏi rất cơ bản, hầu như ai cũng trả lời được (dùng để xét tốt nghiệp). Nhưng bắt đầu đến một nửa các câu sau thì khó, để phân loại thí sinh.

- Kỳ thi Quốc gia 2015 thi những môn gì?

- Sẽ không thi thành các môn, mà có thể sẽ có 4 bài thi: Toán và Tư duy logic; Văn và khoa học xã hội; Khoa học Tự nhiên; Ngoại ngữ.

- Nhưng nếu thi nhiều môn như thế thì học sinh sẽ quá tải vì phải học quá nhiều lĩnh vực?

- Việc thi tất cả các môn để tất cả học sinh phải học cơ bản và đầy đủ, không được xem thường môn nào. Điều đó chỉ có lợi cho các em sau này, nhằm hình thành nhân cách toàn diện.

Đương nhiên, phần "xét tốt nghiệp" sẽ ra các câu rất cơ bản mà hầu hết các em đều làm được. Vì thế, sẽ không bắt học sinh phải học "siêu" tất cả các môn.

- Thi nhiều lĩnh vực như vậy thì xét đỗ tốt nghiệp và tuyển ĐH như nào?

- Xin nhắc lại là thí sinh và phụ huynh không nên hoang mang khi thi nhiều môn. Các em cứ học và ôn thi bình thường nhưng chú ý là không được "bỏ"môn nào.

Nếu phần thi cơ bản đạt được ngưỡng nhất định thì coi như đỗ tốt nghiệp.

Còn phần phân loại, căn cứ vào điểm thi mà các trường đại học xét tuyển.

Ví dụ, các trường thi khối A trước đây sẽ căn cứ chủ yếu vào điểm các phần thi Toán và Tư duy logic, Khoa học Tự nhiên, Ngoại ngữ (có thể)…để xét tuyển. Nếu 2 em có điểm Toán và Tư duy logic; Khoa học tự nhiên mà bằng nhau thì xét điểm môn Văn và Khoa học xã hội.

Tương tự đối với các khối khác.

- Vậy học sinh có nên học theo khối như cách thi từ 2014 trở về trước?

- Trước hết các em phải chú ý học đều các môn, phải nắm được kiến thức cơ bản ở tất cả các môn, không được xem thường môn nào. Chỉ có thế mới đỗ được tốt nghiệp.

Đương nhiên, do đề thi có phần phân loại thí sinh, nên các em cũng phải chú trọng một số lĩnh vực liên quan. Ví dụ, muốn vào các trường kỹ thuật thì ngoài kiến thức cơ bản, phải học tốt các môn Toán và Khoa học tự nhiên như Lý, Hóa, Sinh vì đề bài sẽ có các câu từ trung bình đến khó của các lĩnh vực này, để chọn ra thí sinh xứng đáng nhất.

- Như vậy, sau khi thi xong, các trường mới xét tuyển, nên sẽ không còn việc phải đăng ký nguyện vọng như trước?

- Đúng vậy. Kỳ thi Quốc gia từ 2015 trở đi, các em sẽ không phải đăng ký nguyện vọng nữa, tránh việc may rủi khi chọn trường, tạo áp lực không cần thiết cho thí sinh và phụ huynh.

- Nhưng nếu những trường tốp trên chưa chấp nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi này?

- Thì các trường có quyền thi thêm một kỳ thi nữa hoặc phỏng vấn.

- Kỳ thi Quốc gia 2015 sẽ thi ở đâu?

- Sẽ thi ở chính ngôi trưởng các em đang học, giống kỳ thi tốt nghiệp.

- Làm sao để tránh tiêu cực, cục bộ địa phương?

- Sẽ tăng cường công tác kiểm tra. Sẽ đưa các giảng viên các trường ĐH, CĐ về các tỉnh để giám sát. Thậm chí, có thể dùng các biện pháp kỹ thuật như gắn camera…

Đương nhiên, không thể có cái gì mới mà toàn diện ngay từ đầu. Chắc chắn sẽ có những khâu phải hoàn thiện sau này. Nhưng chúng ta phải dám mạnh dạn đổi mới. Nếu không làm bây giờ thì bao giờ mới làm, khi các nước có nền giáo dục phát triển cũng chỉ có 1 kỳ thi?

- Vậy việc chấm thi ra sao?

- Sẽ đưa giảng viên ĐH, CĐ về các tỉnh để chấm, kết hợp với giáo viên địa phương.

- Việc chấm điểm như vậy có thể gây ra tâm lý "nương tay" với tỉnh mình?

- Như đã nói, không có phương án nào hoàn hảo cả. Các bài thi đã tối đa dùng trắc nghiệm, nên hạn chế được rất nhiều yếu tố chủ quan của con người.

- Việc ra đề thi như nào, khi bài thi phải có 2 mục đích là xét tuyển và phân loại?

- Sẽ tập hợp đông đảo các nhà giáo có kinh nghiệm và chuyên môn tốt nhất. Tuy chúng ta chưa từng làm đề thi như vậy nhưng không có nghĩa là không làm được. Nếu quyết tâm sẽ làm được vì các câu hỏi phân loại không quá khó với đội ngũ ra đề.

- Đề thi có gây ra hiện tượng dạy thêm – học thêm?

- Đề thi sẽ tiếp thu những ưu điểm của các kỳ thi trên thế giới như SAT, GMAT…nên sẽ tập trung đánh giá năng lực, tố chất của thí sinh...Nên các em không phải quá lo lắng. Vì năng lực các em đến đâu thì bai thi sẽ thể hiện như vậy.

- Tóm lại, khi thi như vậy sẽ có ưu và nhược điểm gì so với cách làm hiện nay?

- Sẽ bớt đi tốn kém khi học sinh và phụ huynh không phải lặn lội lên các thành phố "ứng thí". Sẽ không còn phải "đặt cược" nguyện vọng nên thí sinh cứ yên tâm học tốt, không bị áp lực chọn trường. Đề thi sẽ được đổi mới, hạn chế dạy thêm – học thêm hơn so với các đề thi trước đây…

Đặc biệt, điểm thi có thể dùng cho nhiều năm. Sau khi vào trường ĐH này, nếu thấy không hợp, các em có thể mang kết quả đó để tuyển vào ĐH khác.

Đương nhiên, không có phương án nào là hoàn hảo, không có cái mới nào ra đời mà suôn sẻ. Vẫn còn nhiều khó khăn phải tháo gỡ. Nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có trách nhiệm công bố sớm mẫu đề thi, phương thức thi và xét tuyển; thậm chí là đưa các mẫu bài tập xuống các trường cho học sinh làm thử.

Tiến tới, việc thi cử của Việt Nam sẽ nhẹ nhàng như các nước phương Tây nhưng sẽ "siết chặt" đầu ra đại học, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng và trường nghề.

- Xin cảm ơn !

Thùy Linh
(thực hiện)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang