Giải mã những cuộc giải cứu ly kỳ nhất lịch sử

author 05:36 09/07/2016

Một số cuộc giải cứu ly kỳ xảy ra trong lịch sử nhằm cứu sống những người gặp nạn. Tuy nhiên, một số người không được may mắn cứu sống.

Giải cứu 33 thủy thủ khi tàu ngầm USS Squalus bị chìm

Một chuông lặn được thả xuống từ tàu cứu hộ để tìm kiếm những người sống sót ở tàu ngầm Squalus. 

Vào sáng sớm ngày 23/5/1939, một sự cố kinh hoàng đã xảy ra đối với tàu ngầm USS Squalus, kéo theo đó là cuộc giải cứu ly kỳ. Cụ thể, vào ngày hôm đó, do gặp vấn đề về van nghiêm trọng nên tàu ngầm công nghệ tiên tiến USS Squalus bị chìm xuống độ sâu 73m khi đang thực hiện một cuộc lặn thử ở đảo Shoals. Do tàu bị chìm ở độ sâu khá lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Hoạt động tìm kiếm bị trì hoãn cho đến ngày hôm sau. Khi xảy ra sự cố đó, 33 người trong thủy thủ đoàn, khoang động cơ và khoang ngư lôi đều ở trong tình trạng ngập trong nước.

Đến 11h30 ngày 24/5, một đội tìm kiếm đưa khoang cứu hộ McCann đến và sử dụng chuông lặn để giải cứu an toàn 33 nạn nhân đưa lên bờ. Công tác cứu hộ các thành viên thủy thủ đoàn kết thúc sau 13 giờ kể từ khi tàu ngầm USS Squalus bị chìm.

Cuộc đại đột kích trong Chiến tranh thế giới 2

Những lính biệt kích thuộc Liên đoàn biệt kích số 6 của Mỹ tham gia vào cuộc tấn công trại tù Cabanatuan để giải cứu tù nhân Mỹ và Philippines 

Sự việc này được đánh giá là một nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng gặp phải vô vàn khó khăn diễn ra trong Chiến tranh thế giới 2. Theo đó, vào tháng 1/1945, 121 lính biệt kích tình nguyện Mỹ bắt đầu cuộc giải cứu hơn 500 tù binh chiến tranh quân Đồng minh. Những tù binh này là những người sống sót của đoàn duyệt binh Thần Chết trên đảo Bataan (Bataan Death March). Họ phải đi bộ trong cái nóng khắc nghiệt, cháy da thịt của những khu rừng nhiệt đới tại Philippines trong suốt nhiều ngày. Kết quả là hàng ngàn tù binh tử vong trong quá trình đó. Những người còn sống sau đó bị giam cầm trong trại Cabanatuan khét tiếng tiếng là tàn bạo.

Để thực hiện nhiệm vụ giải cứu đồng đội, nhóm lính biệt kích này đã hành quân đến phía sau hàng ngũ quân địch và triển khai một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào binh sĩ Nhật Bản. Cuộc tấn công diễn ra trong 30 phút của nhóm lính biệt kích tình nguyện Mỹ đã giải phóng hàng trăm tù binh chiến tranh. Quân đội Mỹ chịu tổn thất cực kỳ nhỏ trong nhiệm vụ giải cứu tù binh đó. Nhiệm vụ ấn tượng này được đề cập trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2002 của Hampton Sides với tựa đề "Ghost Soldiers: The Epic Account of World War II's Greatest Rescue Mission" (tạm dịch: "Cuộc giải cứu lớn nhất trong trang sử hào hùng của Chiến tranh thế giới 2").

Sự cố để đời của tàu SS Andrea Doria

Ngày 25/7/1956, tàu chở khách sang trọng SS Andrea Doria đang chạy với tốc độ 40 hải lý đã va chạm với tàu MS Stockholm do gặp phải sương mù dày đặc ở vùng phía Bắc Đại Tây Dương gần đảo Nantucket. Thảm kịch này có nhiều điểm gần giống với vụ tàu Titanic huyền thoại bị chìm. Cụ thể, tàu Andrea Doria khi gặp nạn chở 1.134 hành khách và 572 thủy thủ đã bị mũi của tàu Stockholm chọc xuyên qua mạn phải con tàu một góc 90 độ, xuyên thủng 5 thùng nhiên liệu. Hậu quả là 500 tấn nước biển tràn vào.

Khi con tàu nghiêng mạnh, các xuồng cứu sinh ở bên mạn phải của tàu SS Andrea Doria trở nên quá cao để với tới. Do vậy, hành khách và thủy thủ đoàn nhanh chóng di chuyển sang tàu Stockholm gần đó. Họ cũng được những tàu đi qua đó giúp đỡ sau khi những thuyền đó nghe được tiếng kêu cứu của các nạn nhân.

11 giờ sau cuộc va chạm với tàu MS Stockholm, tàu Andrea Doria bị chìm hoàn toàn xuống biển. Trong thảm kịch chìm tàu đó, 46 người thiệt mạng. 1.660 hành khách và thủy thủ đoàn may mắn sống sót, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Theo Kiến thức
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang