Giải mã sự "sa ngã" trong một bộ phận cán bộ ngân hàng

author 09:50 20/12/2012

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây bức xúc dư luận. Nhiều vụ án, do chính cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí của mình, móc nối với những người có tài sản thế chấp, nâng giá trị tài sản cho vay cao hơn giá trị thực tế, lập hồ sơ khống vay vốn để cho vay lại với lãi suất cao hơn, rồi chiếm đoạt hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác…

 Chiếm đoạt lẫn nhau

Ngoài 30 tuổi, Nguyễn Hữu Quang (ngụ phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được bổ nhiệm làm Giám đốc Phòng Giao dịch Lấp Vò, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) - Chi nhánh Đồng Tháp. Khi đó, trong mắt những bạn bè, đồng nghiệp cùng tuổi thì Quang được xem là khá thành đạt với vị trí của mình.

Thế nhưng, vì không làm chủ được mình bị cuốn hút trong vòng xoáy của đồng tiền, Quang đã lợi dụng danh nghĩa của ngân hàng, vị trí công tác của mình, chiếm đoạt tài sản của 34 người (chủ yếu là các đối tác vay, gửi tiền tại Phòng Giao dịch Lấp Vò), ngụ huyện Lai Vung, Lấp Vò, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) và tỉnh An Giang, với số tiền gần 50 tỉ đồng.

Theo đó, khi vay Quang nói dối khách hàng là để đáo hạn hồ sơ vay ngân hàng, nhưng thực chất là dùng tiền vay của người sau trả cho người trước, vay trả nhiều lần trên 50 tỉ đồng (với lãi suất cao từ 3 - 6%/tháng). Ngoài ra, Quang chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Thiện Nhơn (32 tuổi, cán bộ tín dụng, cũng là em bà con của Quang) lập khống hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của Phòng Giao dịch do mình có trách nhiệm trực tiếp quản lý; tự ý xóa thế chấp, xuất trả tài sản bảo đảm thế chấp cho khách hàng trái quy định…

Khi sự việc bị phát hiện, ban đầu Quang bỏ trốn, không hợp tác với cơ quan điều tra. Đến ngày 29/5/2011, biết không thể trốn tội, Quang mới chịu ra đầu thú và thừa nhận hành vi của mình. Còn Nhơn, khi đó biết sự việc của Quang làm sai, nhưng vì "nể" cấp trên đã nhắm mắt làm theo và dần dần "sa ngã" vào con đường phạm pháp.

Nguyễn Hữu Quang và Nguyễn Thiện Nhơn, từ trái qua.

Một nạn nhân của Nguyễn Hữu Quang, là Hồ Thanh Trung (34 tuổi), cán bộ Phòng Giao dịch TP Cao Lãnh, Ngân hàng MHB - Chi nhánh Đồng Tháp nhưng cũng là bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.

Do có quen biết với nhau, nên Quang hỏi vay Trung hàng trăm triệu đồng để "xoay xở", đến khi mất khả năng trả nợ rồi chiếm đoạt luôn. Cũng giống như Quang, Trung cũng lợi dụng vị trí công tác để vay tiền của nhiều người với lãi suất từ 3 - 4,5%/tháng rồi cho người khác vay lại với lại suất từ 6-9%/tháng, hưởng chênh lệch.

Tuy nhiên, được một thời gian, nhiều người Trung cho vay tiền đã không trả vốn và lãi suất khiến Trung lâm vào "thế bí". Để đối phó, Trung tiếp tục vay tiền của nhiều người và dùng tiền vay được của người này để trả cho người khác, thậm chí cả những người thân trong gia đình.

"Nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa cán bộ ngân hàng do ham lãi suất cao, muốn làm giàu nhanh đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối huy động tiền vay của nhiều người với số lượng lớn để cho người khác vay lại hưởng phần chênh lệch. Nhưng do lãi suất quá cao (từ 9% đến 30% - PV), các đối tượng vay lại chỉ trả lãi được một thời gian sau đó mất khả năng trả nợ, dẫn đến chiếm đoạt lẫn nhau", một cán bộ điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Khó thu hồi vốn

Theo cơ quan điều tra, hầu hết các vụ án trên rất khó thu hồi tài sản, vì các đối tượng trong các vụ án đều là cán bộ ngân hàng tham gia tệ nạn cờ bạc, số đề; kinh doanh bất động sản, chứng khoán gặp thời điểm khó khăn về kinh tế dẫn đến thua lỗ phải vay mượn tiền bên ngoài với lãi suất cao không có khả năng chi trả hoặc vay để trả nợ cũ sau đó chiếm đoạt gây thiệt hại rất lớn.

Viện KSND tỉnh Đồng Tháp vừa phê chuẩn quyết định truy tố đối với Nguyễn Tấn Bửu (35 tuổi, cán bộ tín dụng ngân hàng) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Cùng bị truy tố còn có, Nguyễn Minh Chí, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Một số đối tượng trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vừa bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với các khách hàng, Nguyễn Tấn Bửu vay tiền của nhiều người với lãi suất cao (từ 3-12%/tháng). Đáng chú ý, khi khách hàng làm hồ sơ vay số tiền ít, Bửu kêu vay nhiều hơn cho Bửu vay ké, thậm chí lấy cả tiền của người vay trả cho ngân hàng để sử dụng tiêu xài cá nhân.

Khi vay tiền của người dân, Bửu nói dối cho vay đáo hạn tại ngân hàng, đầu tư mua đất, nuôi cá... nhưng sử dụng cá nhân, trả nợ tiền vay trước đó, cá độ bóng đá, mua số đề... Với thủ đoạn trên, từ tháng 8/2010 đến tháng 5/2011, Bửu đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.

Riêng Nguyễn Minh Chí, là người đứng đầu đơn vị nhưng thiếu kiểm tra, giám sát, đã tạo cơ hội cho Bửu chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng; không giám sát, kiểm kê quản lý tài sản thế chấp theo đúng định kỳ, để Bửu tự ý lấy tài sản thế chấp trả cho khách hàng hoặc nhập khống tài sản thế chấp, sử dụng 24 thẻ ATM của khách hàng chiếm đoạt số tiền gần 2 tỉ đồng của Phòng Giao dịch Hồng Ngự.

"Những vấn đề tín dụng đen, nợ xấu, nợ ngân hàng, nợ thuế của các doanh nghiệp, nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ của doanh nghiệp có mối quan hệ tác động lẫn nhau là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Không loại trừ khả năng cán bộ ngân hàng sai phạm và không loại trừ khả năng xảy ra tình huống đòi nợ thuê, xiết nợ thuê theo kiểu "xã hội đen" làm ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương", một cán bộ điều tra cho hay

Theo CAND

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang