Giải mã thành công bí ẩn của lõi Trái đất

author 11:37 19/09/2013

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Anh tuyên bố đã giải mã được một bí ẩn suốt 300 năm qua về sự chuyển lệch hướng quay của lõi Trái đất.

Phần lõi bên trong của Trái đất quay với tốc độ "siêu nhanh" về hướng đông,

trong khi phần lõi bên ngoài xoay về hướng tây với tốc độ chậm hơn. Ảnh: Corbis

Trong mô hình mới của các nhà khoa học Anh, phần lõi bên trong của Trái đất, vốn cấu tạo từ sắt rắn cứng, quay với tốc độ "siêu nhanh" về hướng đông, đồng nghĩa với quá trình quay tròn của nó nhanh hơn phần còn lại của hành tinh chúng ta. Trong khi đó, lõi bên ngoài với cấu tạo chủ yếu là sắt ở dạng nóng chảy, xoay về hướng tây với tốc độ chậm hơn.

Nhà khoa học Edmund Halley đã biểu diễn chuyển động lệch về hướng tây của từ trường Trái đất vào năm 1692. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể gắn cách thức quay của phần lõi bên trong với hoạt động của phần lõi bên ngoài.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Leeds (Anh), cách "hành xử" của Trái đất tuân theo trường địa từ của chính nó.

Trong vài thập niên trở lại đây, máy đo địa chấn - thiết bị đo đạc các trận động đất dịch chuyển khắp lõi Trái đất, đã nhận diện được quá trình quay "siêu nhanh" về hướng đông của phần lõi đặc bên trong, tương xứng với bề mặt hành tinh.

"Từ trường tạo lực đẩy về hướng đông đối với phần lõi bên trong, khiến nó quay nhanh hơn phần còn lại của Trái đất, nhưng cũng đồng thời tạo lực đẩy theo hướng ngược lại đối với phần lõi lỏng ở bên ngoài, dẫn đến chuyển động về hướng tây", tiến sĩ Philip Livermore, một thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Phần lõi sắt rắn bên trong của hành tinh chúng ta có kích cỡ tương đương Mặt trăng. Nó có lớp bao bọc bên ngoài là phần lõi lỏng, vốn là hợp kim của sắt và có chuyển động sản sinh ra trường địa từ.

Mặc dù phần lõi bên trong cách nơi chúng ta đang sống 5.200km, nhưng ảnh hưởng của nó vô cùng quan trọng đối với bề mặt Trái đất. Đặc biệt, khi phần lõi bên trong gia tăng kích cỡ, hơi nóng tỏa ra từ quá trình đông đặc quyết định sự đối lưu của chất lỏng ở phần lõi bên ngoài, giúp sản sinh ra trường địa từ của Trái đất. Nếu không có trường địa từ, bề mặt hành tinh chúng ta sẽ không được bảo vệ trước bức xạ mặt trời, cuộc sống trên Trái đất khi đó sẽ không thể tồn tại.

Khám phá mới có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về động lực học của lõi Trái đất cũng như từ trường của hành tinh.

Theo các nhà nghiên cứu, việc từ trường bên trong của Trái đất thay đổi chậm chạp suốt nhiều thập kỷ đồng nghĩa, lực điện từ chịu trách nhiệm thúc đẩy các phần lõi bên trong và bên ngoài sẽ tự biến đổi theo thời gian. Họ tin, thực tế này có thể lý giải những biến động trong quá trình quay về hướng đông, vốn được cho là bắt đầu từ cách đây 3.000 năm, của phần lõi trong Trái đất.

 

Theo VNN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang