Giải pháp giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao năng lực, phát triển bền vững

authorHòa Lê 07:15 03/08/2019

(VietQ.vn) - Mặc dù ngành gỗ đã đạt được nhiều kết quả tốt trong những năm gần đây, nhưng vẫn cần áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, phát triển bền vững.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 1 đầu năm 2019 đạt 952 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ liên tục đạt đỉnh cao mới.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tốt trong những năm gần đây, nhưng các nhà quản lý đánh giá, sự phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục để nâng cao năng lực, phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Năng lực sản xuất toàn ngành tuy có gia tăng liên tục trong nhiều năm qua, nhưng so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu năm 2017 là 428 tỷ USD, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06%. So sánh tổng thương mại đồ gỗ năm 2017 của 100 quốc gia xuất khẩu là 141 tỷ USD, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Từ 2 con số so sánh này cho thấy xuất phát điểm của chúng ta còn rất thấp, trong khi cơ hội thị trường phía trước còn rất nhiều. Nếu có chính sách đột phá, ngành gỗ sẽ bức phá ngoạn mục.

Giải pháp giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao năng lực, phát triển bền vững

Ngành gỗ trong nước đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: Trung Hiếu

Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mới dừng lại ở việc sản xuất gia công chi tiết cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ theo mẫu của khách hàng. Chưa có nhiều doanh nghiệp tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, do đó giá bán sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Tổng giám đốc Công ty Koda Sài Gòn Lê Văn Nga, sở dĩ có sự hạn chế này là do các doanh nghiệp trong nước chưa nhận biết được tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã sản phẩm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường, chưa đủ năng lực sản xuất hoặc chưa dám làm vì sợ rủi ro cao. Do đó, muốn vươn xa hơn ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thiết kế các mẫu mã sản phẩm trong chuỗi giá trị, thu hẹp dần khoảng cách với các doanh nghiệp gỗ trên thế giới.

Về quản lý nhà nước, để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, nhất là trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng đầu tư. Hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô, phát triển các vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ nhập khẩu và gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm tránh bị đánh thuế để bảo vệ các doanh nghiệp chân chính.

Cùng với đó, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về lĩnh vực chế biến lâm sản để từng bước tiêu chuẩn hóa các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo quy chuẩn quốc tế và đáp ứng các biện pháp phòng vệ thương mại và xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang