Trung Quốc tham vọng khai thác khí hiếm trên mặt trăng

author 10:43 29/01/2015

(VietQ.vn) - Nhận thức được sâu sắc sứ mệnh giải quyết nguồn cung cấp năng lượng trong những thập kỷ tới, Trung Quốc đang có tham vọng khai thác nguồn năng lượng khí đặc biệt và quý hiếm trên Mặt Trăng

Vào năm 2013, tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đã thành công trọn vẹn sau khi con tàu này và xe tự hành Thỏ Ngọc đã chụp được những bức ảnh về nhau trên bề mặt Mặt trăng. Vào tháng 10-2014, Trung Quốc lại tiếp tục phóng tàu vụ trũ Hằng Nga 5-T1 với mục đích thăm dò và cho bay một vòng quanh mặt trăng. Tuy nhiên, khác với Hằng Nga 3 chỉ để khảo sát cấu trúc địa chất và lấy các số đo quang phổ, Hằng Nga 5 được chế tạo để thực hiện chuyến bay mới nhằm hạ cánh xuống Mặt Trăng, khoan xuống sâu tối thiểu 2 mét để thu một khối đất đá chứa khoảng 2kg nguyên liệu He-3 và đưa về Trái Đất.

Heli 3 được coi như giải pháp năng lượng cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới của Trung Quốc

Heli 3 được coi như giải pháp năng lượng cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới của Trung Quốc

Một trong những lý do chính helium-3 được các cường quốc trong đó có Trung Quốc theo đuổi là vì nó có vai trò như nguồn năng lượng nhiệt hạch. Các nhà khoa học đã chứng minh: chỉ cần 40 tấn Heli 3 là có thể cung cấp năng lượng cần thiết cho nhu câu điện năng của của Hoa kỳ trong suốt 1 năm. 

Lượng Heli 3 dự trữ trên Mặt Trăng có thể đảm bảo nguồn năng lượng cho Trái Đất trong 5 ngàn nâm

Lượng Heli 3 dự trữ trên Mặt Trăng có thể đảm bảo nguồn năng lượng cho Trái Đất trong 5 ngàn năm

Heli 3 là một đồng vị nhẹ của nguyên tố heli, thường được sử dụng trong các phản ứng ở nhiệt độ cao, heli 3 giải phóng nhiều năng lượng hơn trong khi đó thải ra rất ít chất thải so với các phản ứng hạt nhân thông thường. Tuy nhiên, trên Trái đất, heli 3 là “của hiếm”, lượng Heli-3 mỗi năm thu được không đáng kể, chỉ có thể khoảng vài chục gam. Thế nhưng trên Mặt trăng, nơi không có bầu khí quyển, trữ lượng của chất đồng vị rất hiếm hoi này, theo đánh giá khiêm tốn nhất, cũng lên tới 500 ngàn tấn.

Theo tiến sỹ Abdul Kalam, cựu Tổng thống Ấn Độ đồng thời là nhà khoa học hàng đầu của nước này, thì   "nguồn heli-3 trên Mặt Trăng có thể cung cấp một nguồn năng lượng lớn gấp hơn 10 lần năng lượng từ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trên Trái Đất".

Trung Quốc tiếp tục theo đuổi dự án Hằng Nga

Trung Quốc tiếp tục theo đuổi dự án "Hằng Nga" hướng tới giải pháp năng lượng cho tương lai

Để có được loại khí quý hiếm này, Bắc Kinh đang thực hiện chương trình thám hiểm Mặt trăng mang tên Hằng Nga, nhằm gửi các phi hành gia lên đây vào đầu những năm 2020. Nếu Bắc Kinh thắng trong "cuộc đua Mặt trăng" lần thứ hai và tiến hành khai thác helium-3, cường quốc số 2 thế giới này sẽ độc quyền trong khai thác helium-3. Các nhà quan sát quân sự cho rằng quốc gia nào kiểm soát được nguồn helium-3 trên Mặt Trăng sẽ trở thành thế lực bá quyền mới của thế giới.

Có thê nói, sự quý hiếm và tính hữu dụng của khí heli 3 trên Mặt Trăng đang gây ra một cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc vũ trụ nhằm khẳng định lãnh thổ và chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên vệ tinh này của Trái đất. Hiện nay, một số chính khách đã kêu gọi xây dựng một cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, trong đó Hiệp ước về Khoảng không vũ trụ năm 1967 quy định là "tài sản chung của toàn nhân loại".

Đinh Trang


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang