'Chặt chém' du khách, bôi xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

author 06:48 11/06/2017

(VietQ.vn) - 700 nghìn đồng một gói bánh rán hay trả 300 nghìn để đánh một đôi giày... hành động chặt chém, chèo kéo khách du lịch đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam.

Vấn nạn "chặt chém" khách du lịch nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch Việt Nam. Việc chặt chém không chỉ xảy ra với du khách quốc tế mà ngay cả khách hàng nội địa cũng không ít lần phải "hứng" giá trên trời. Dù biết bị "hớ" nhưng nhiều người vẫn đành "ngậm đắng nuốt cay" móc tiền ra trả.

'Chặt chém' ở Hà nội: Đánh giày 30 nghìn, tự ý khâu giày rồi thò tay vào ví khách lấy 300 nghìn

Chặt chém đã là chuyện chẳng còn.. xa lạ. Ảnh ST 

Đã có vô vàn câu chuyện về lợi dụng rào cản ngôn ngữ để kiếm lời. Câu chuyện gây xôn xao gần đây nhất là chuyện một nữ khách Tây mua bịch bánh rán đến 700 nghìn đồng ở Hà Nội. Bánh rán - món ăn quen thuộc bị đội giá lên đến 35 lần so với giá trị thực của nó.

'Chặt chém' ở Hà nội: Đánh giày 30 nghìn, tự ý khâu giày rồi thò tay vào ví khách lấy 300 nghìn
Nữ khách tây và bịch bánh rán bị mua với giá 700 nghìn đồng. Ảnh ST 

"Bạn sẽ không tin tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ đó đâu. Họ cứ gí cái bánh lại sát tôi và họ tự lấy cho tôi, tôi còn không biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ đó, tôi mở ví ra thế và họ lấy của tôi một tờ 500 nghìn đồng và một tờ 200 nghìn đồng sau đó bỏ đi. Họ lấy tiền của tôi. 700 nghìn đồng cho chỗ đó, bạn có tin không?", vị khách nước ngoài bức xúc.

Theo chị Thu Anh (chủ nhân câu chuyện), không chỉ ngang nhiên "chặt chém" với hành động tự ý lấy tiền của khách, khi thấy "mánh" thổi phồng giá bị khách phát hiện, mắng và đòi tiền lại, những người bán hàng cũng "mắng lại khách như chơi".

Để tìm hiểu thực hư, mới đây PV Tri thức trẻ đã nhập vai du khách Tây để tìm hiểu về nạn chặt chém đang diễn ra ở phố cổ Hà Nội.

Ngay lập tức, người nhập vai đã bị một người đàn ông đánh giày tiếp cận, mời đánh giày với giá 2 USD (gần 50 nghìn đồng). Khi PV thử trả giá thì người đánh giày chấp nhận hạ giá còn 30 nghìn đồng.

'Chặt chém' ở Hà nội: Đánh giày 30 nghìn, tự ý khâu giày rồi thò tay vào ví khách lấy 300 nghìn
Dù khách từ chối dán keo nhưng người đánh giày vẫn khăng khăng đòi làm rồi tính tiền thêm! Ảnh Tri thức trẻ 

Nhưng chỉ vài phút sau người đánh giày bắt đầu tự ý chuyển từ việc đánh giày đơn thuần sang lấy đồ nghề ra để... khâu giày, mặc cho PV khẳng định nó vẫn còn tốt. Bỏ ngoài tai yêu cầu không cần làm gì khác, người đánh giày trên phố cổ vẫn say sưa đổ keo. Khi PV định mở ví trả tiền, người đàn ông này đã thò tay rút của PV hai tờ 100 nghìn đồng và tiếp tục đòi thêm một tờ nữa. 

'Chặt chém' ở Hà nội: Đánh giày 30 nghìn, tự ý khâu giày rồi thò tay vào ví khách lấy 300 nghìn
Đồng ý giá 30 nghìn đồng/lần đánh giày nhưng sau đó lại muốn giật đến 300 nghìn đồng của khách. Ảnh Tri thức trẻ 

Trước sự kháng cự quyết liệt của khách hàng, người đàn ông đánh giày đành phải móc ví trả lại tiền.

Không chỉ có người nước ngoài mà khách du lịch nội địa cũng không ít lần "khóc dở, mếu dở" vì bị hét giá trên trời. Anh Phạm Văn Long (ngụ quận 7, TP HCM) khi du lịch ở Vũng Tàu đã được một người gánh hàng rong đến mời mua ghẹ, tôm tít, ốc luộc.. Vô tư lựa món ăn mà không hỏi giá, khi tính tiền hóa đơn lên đến 2,1 triệu đồng.

Cụ thể, 2 con ghẹ có kích thước bằng bàn tay giá đến 1,4 triệu đồng, ốc bưu 120.000 đồng/đĩa, tôm tít trộn với tôm sú luộc 300.000 đồng/2 đĩa, các món bánh chiên 300.000 đồng.

Thấy giá quá cao, anh Long vội phản ứng, người bán cãi rằng giá giờ như vậy, bớt cho 20.000 đồng và còn hăm dọa: "Ăn ngập mặt có 2,1 triệu mà không trả, hay muốn ăn đòn?"

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Toàn từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác phải trả 100.000 đồng để mua được hơn 30 quả mận bé xíu; HLV thể dục dục cụ Trương Minh Sang (người TP.HCM, đang sống và làm việc tại Hà Nội) cũng từng phải trả 60.000 đồng/phần xôi trong khi mức giá ở đây là 20.000 đồng/phần.

Hành động chặt chém, chèo kéo khách du lịch đang làm xấu đi hình ảnh của du lịch việt Nam. Ảnh ST 

Phải mạnh tay với kiểu kinh doanh "chặt chém"

Năm 2016, Việt Nam liên tiếp giành vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng trên các trang web du lịch TripAdvisor, Tạp chí Du lịch - Rough Guides, trang web tư vấn du lịch TripIndex Cities... Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 26/12/2016 cho biết, sau 6 năm liên tục tăng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2015 đã chững lại và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014.

Chia sẻ về vấn nạn này, bạn Nguyễn Thảo (Phú Thọ) cho rằng: "Đi bất cứ đâu tôi đều phải hỏi giá trước rồi mới dám dùng. Chặt chém là hành vi trấn lột trá hình, cần phải mạnh tay xử lý". 

Hành động chặt chém, chèo kéo khách du lịch đang làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Vì thế, bạn Tuấn Nam đề nghị: Phải mạnh tay với kiểu kinh doanh chặt chém vô đạo đức, các cơ quan chức năng có động thái tích cực, có biện pháp can thiệp tích cực hơn, nghiêm khắc hơn.

Chuyên gia, cơ quan chức năng nói gì?

Trên đây chỉ là 1 vài ví dụ về tình trạng "chặt chém" du khách đang diễn ra. Trả lời Tri thức trực tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Tiến sĩ Hà Văn Siêu cho hay: "Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội hiện đều có nhiều thông tin cảnh báo, khuyến cáo đối với du khách. Chúng ta cần chủ động phòng tránh với các hiện tượng, hành vi xấu của một số điểm đến".

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch từng cho biết tình trạng này này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà quốc gia nào cũng có những tình trạng tương tự. Ông Lương nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý và đề ra những biện pháp xử lý.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung chi đạo tăng cường quản lý giá cả, thực hiện niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết. Những hành vi vi phạm trong kinh doanh du lịch phải được xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, kể cả việc tạm dừng kinh doanh hoặc đề nghị rút giấy phép.

Rà soát, tăng cường kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh không phép hoặc không đúng giấy phép, không niêm yết giá và thu cước không theo giá đã niêm yết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che để chủ taxi và các phương tiện vận tải khách du lịch khác kinh doanh phép trên địa bàn...

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang