Giải pháp nào để kết nối đưa đặc sản địa phương đến hệ thống bán lẻ toàn quốc?

author 11:08 14/10/2018

(VietQ.vn) - Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 địa phương và đã cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh…

Tại cuộc hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý và giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn…

Cũng theo bà Lê Việt Nga, để hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, trong đó hoạt động hỗ trợ đặc sản địa phương, sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi tham gia vào hệ thống phân phối luôn được chú trọng (hiện đại và truyền thống), như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia...

Giải pháp nào để kết nối đưa đặc sản của địa phương đến với hệ thống bán lẻ toàn quốc?

 Cam là một trong những loại quả đặc sản của Việt Nam được đăng kí chỉ dẫn địa lý ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Nghệ An. Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm kết nối đưa đặc sản của địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp tham gia vào các hệ thống phân phối tại TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những chương trình đã triển khai, thời gian tới TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành dự kiến sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm của địa phương, như: Tăng cường hợp tác giữa các Sở Công Thương, chia sẻ thông tin, phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, hỗ trợ đầu tư, liên kết đầu tư, kiểm tra kiểm soát lưu thông hàng hóa giữa các địa phương; Tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối tiêu thụ, định kỳ tổ chức Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành (Riêng năm 2018, Hội nghị được tổ chức tại Bến Tre từ ngày 23-24/11/2018);…

Bên cạnh đó, đơn vị triển khai việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tại địa phương khác nhau; lưu thông hàng hóa hiệu quả và có kiểm soát từ nuôi trồng đến tay người tiêu dùng. Phát huy lợi thế từng địa phương, tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất, sản xuất theo nhu cầu thị trường...

Chia sẻ về kinh nghiệp phát triển thương hiệu của đơn vị, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, để phát triển, tạo ra sự kiên kết bền vững như hiện nay với việc chiếm 60% thị phần trong nước, xuất khẩu vào trên 40 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu hơn 250 triệu USD, Vinamilk luôn đặt tính chủ động lên hàng đầu, đi trước tìm kiếm nhu cầu của khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tham gia các chương trình ưu tiên phát triển hàng Việt Nam,… qua đó khẳng định thương hiệu qua chất lượng sản phẩm nhằm lan tỏa đến lòng tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng và bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cùng cho biết những khó khăn trong việc kết nối đưa đặc sản của địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp tham gia vào các hệ thống phân phối trong nước và đưa ra những giải pháp để kết nối đặc sản vùng miền với nhau như liên kết chuỗi bán hàng, phát triển nguồn cung theo yêu cầu của đối tác, quy hoạch vùng chuyên canh thế mạnh của địa phương,…

Để hàng hóa vào hệ thống bán lẻ được thuận lợi, bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch Điều hành Quan hệ Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group Việt Nam cho rằng: "Với 95% hàng của Big C là nội địa, chúng tôi đã có những hành động cụ thể như đặt văn phòng ở tại địa phương, 50% sản phẩm nông sản thu mua tại địa phương. Big C sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp, hãy xem chúng tôi là kênh truyền thông quản bá sản phẩm nông sản địa phương, hãy dùng kênh phân phối bán lẻ hiện đại để người tiêu dùng hiểu biết về hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, lan tỏa phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Các hộ nông dân cần biết các quy định về ATVSTP, tiến tới nông nghiệp hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói tốt... Điều này sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng Việt Nam".

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tuyền – Giám đốc Giao dịch Nhà cung cấp Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Khi đưa hàng vào siêu thị cần nghiên cứu thị trường; Tuân thủ chất lượng đăng ký từ đầu đến đi vào sản xuất kinh doanh, chất lượng phải đảm bảo; hình ảnh bao bì nhãn mác đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường chưa, làm sao mẫu mã phải cạnh tranh được; các chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi phải chuẩn bị kỹ càng. Chính việc này giúp người tiêu dùng hiểu tốt hơn sản phẩm. Người chào hàng vào siêu thị phải hiểu rõ sản phẩm để giải trình về sản phẩm cũng như chất lượng và tính pháp lý của sản phẩm; đưa sản phẩm ra thị trường cần test sản phẩm.

Trong xu hướng hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn hơn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trên chính thị trường trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn nhân công rẻ của Việt Nam cùng với ưu thế về quy mô, công nghệ, tài chính, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.

 Hoàng Lê 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang