Giải pháp nào để tăng TFP một cách bền vững?

author 15:15 09/07/2015

(VietQ.vn) - Trên thực tế, có thể có nhiều yếu tố tác động thúc đẩy năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), tuy nhiên cần chú trọng vào những yếu tố cơ bản.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất yếu tố tổng hợp (Total Factor Productivity -TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động (các nhân tố hữu hình), nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động của công nhân,v.v... (gọi chung là các nhân tố tổng hợp). Hay hiểu một cách đơn giản thì năng suất nhân tố tổng hợp là năng suất bình quân gia quyền của tất cả các nhân tố đầu vào. Trong đó quyền số của mỗi nhân tố đầu vào là tỷ trọng của chúng trong tổng chi phí sản xuất.

Có nhiều yếu tố tác động để thúc đẩy năng suất yếu tố tổng hợp -TFP

 

Trên thực tế, có thể có nhiều yếu tố tác động thúc đẩy năng suất yếu tố tổng hợp. Trong đó về cơ bản có thể kể đến một số yếu tố sau: Yếu tố thị trường; Yếu tố môi trường kinh doanh, chính sách và thể chế có tác động dưới dạng tạo những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sản xuất; Tái cơ cấu kinh tế (phân bổ vốn và lao động của nền kinh tế). Yếu tố về cải tiến đổi mới công nghệ và sản phẩm; Yếu tố về chất lượng lao động.

Theo đó, thứ nhất, cần tăng cường đầu tư vốn và phân bổ hợp lý vào đầu tư các ngành, các lĩnh vực. Chú trọng cho đầu tư đổi mới công nghệ, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam; coi trọng đầu tư vào những ngành then chốt, đặc biệt những ngành góp phần nâng cao NSLĐ của ngành kinh tế khác.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quản lý và sử dụng vốn, tránh thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn không đúng mục đích.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo: Chú trọng đào tào nhân lực có trình độ đại học và trên đại học nhưng phải đảm bảo chất lượng, tránh đào tạo chạy theo số lượng. Và đặc biệt hơn là chú trọng đào tạo công nhân lành nghề vì đây là lực lượng trực tiếp làm ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.Những năm qua việc đào tạo công nhân lành nghê không tương ứng với lực lượng đào tạo có trình độ từ đại học trở lên.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với ngành nghề đào tạo và vị trí việc làm.Thứ năm, đẩy mạnh công tác quản lý và hợp lý hóa sản xuất.

Cuối cùng, cần tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm vật chất và dịch vụ. Nâng cao chất lượng sản phẩm vật chất và dịch vụ là làm tăng thêm giá trị sản phẩm tức là tăng thêm chỉ tiêu VA (chỉ tiêu đầu ra để tính tốc độ tăng TFP).

Tuyết Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang