Giải pháp nào quan trọng nhất thúc đẩy phát triển kinh tế giữa thời Covid-19?

author 12:10 28/03/2020

(VietQ.vn) - Giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng được xem là giải pháp quan trọng nhất giữa thời Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2020 đạt 3,82%, đây là mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 là hoàn toàn khó khăn.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quý 2/2020, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. 

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, Tổng cục Thống kê đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, trước mắt, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tập trung nhiều giải pháp khác như tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; đồng thời, có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đặc biệt cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường...

Giải pháp quan trọng nhất theo Tổng cục Thống kê là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng.

Theo đó, việc xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như: mở rộng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam...

Giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng được xem là giải pháp quan trọng nhất giữa thời Covid-19. 

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư công có tác động khá tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng và GDP.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Điều này hàm ý rằng vốn đầu tư công có vai trò là nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác.

“Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Riêng với ngành xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% giúp ngành này tăng thêm 1,24% điểm %”, ông Phong cho biết.

Một trong những giải pháp tiếp theo giúp tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng là việc giảm giá bán thịt lợn hơi. Theo ông Lê Trung Hiếu, tổng đàn lợn năm 2020 đang có mức tăng trưởng tốt.

Cụ thể: tháng 1/2020 tăng 2,2% so với tháng 12/2019; tháng 2/2020 tăng 4,4% so với tháng 1/2020 và tháng 3/2020 tăng 4,8% so với tháng 2/2020. Điều này cho thấy đàn lợn bắt đầu có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, dự báo trong những tháng tới vẫn sẽ có sự chênh lệch cung cầu và khả năng sẽ thiếu hụt khoảng 100.000 tấn thịt lợn trong quý II, đến quý III sẽ còn thiếu khoảng 30.000 tấn. Dự kiến đến hết quý III/2020, giá lợn hơi trong nước mới có thể về mức 60.000 đồng/kg.

“Nếu như chúng ta không nhập khẩu đủ thịt lợn để bù đắp phần thiếu hụt trong nước thì sẽ ảnh hưởng tới giá của thị trường. Do đó việc nhập khẩu cũng rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Theo như phân tích của chúng tôi thì giá thịt lợn hơi có thể bắt đầu giảm xuống từ cuối tháng 6/2020 và tới hết quý III/2020 mới có thể về mức 60.000 đồng/kg”, ông Hiếu cho biết.

Việc hạ nhiệt thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng CPI.  Bên cạnh đó, giải pháp tái đàn cũng rất quan trọng trong việc cung ứng thực phẩm cho người dân và đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng. Việt Nam không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh“, ông Lâm khẳng định.

Virus corona có thể ‘biến mất’ khi nhiệt độ không khí ấm lên? (VietQ.vn) - Đại học Maryland ở Hoa Kỳ đã điều tra mối liên hệ giữa virus corona (COVID-19) và nhiệt độ. Theo đó, nghiên cứu đã tiết lộ rằng COVID-19 có tính chất theo mùa. Đây là một dấu hiệu cho thấy dịch có thể kết thúc khi thời tiết ấm hơn.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang