Giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021

author 06:43 07/02/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong cả ngắn và dài hạn. Bởi vậy, chúng ta cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Nhiều dấu hiệu khởi sắc

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc được đánh giá là “điểm sáng”. Cụ thế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%. Sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu và giúp giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết ổn định, không có biến động lớn. 

Thương mại trong nước tăng 6,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gia tăng và sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và giá các mặt hàng tăng do nhu cầu mua sắm Tết. 

 Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch, thế nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ảnh minh họa.  

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực với hơn 10 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn giữ xu hướng tăng, đạt 6.503 doanh nghiệp, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây. Điều này phản ánh niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng với ước tính tháng 01/2021, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước…

Bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù vậy, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Do đó, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Một trong những giải pháp được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra là cần tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu; cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Trước mắt, cần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong dịp Lễ, Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm; đôn đốc các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng, bảo đảm về số lượng, chất lượng với mức giá ổn định.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ lần thứ tư để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc...

Đồng thời, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Tung ương (CIEM), ông Phan Đức Hiếu cho rằng, với những dấu hiệu tích cực, chúng ta có thể lạc quan nhưng không được chủ quan. Vì cần phải nói rõ, dù có rất nhiều dự báo tích cực hơn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, song cùng với các dự báo lạc quan đó, bao giờ cũng có điều kiện kèm theo là dịch Covid-19 được khống chế tốt hơn.

“Kinh tế Việt Nam trong tháng tới ra sao sẽ phụ thuộc khá lớn vào “ẩn số” Covid-19. Chính phủ nên có gói hỗ trợ thứ hai để phục vụ cho hai mục tiêu phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu phục hồi, chúng ta nên tập trung chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đối phó những tác động do dịch Covid-19. Cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược.”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế(VietQ.vn) - Các chuyên gia nhận định, phát triển kinh tế cần có sự đổi mới về tư duy và thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang