Giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp BĐS: ‘Tăng chất lượng, giảm giá sản phẩm’

author 07:26 03/04/2020

(VietQ.vn) - Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp BĐS cần thiết phải có giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm…

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam đưa ra trong Báo cáo tình hình thị trường bất động sản quý I/2020, các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt hơn 53.200 sản phẩm nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 7.600 sản phẩm (tỉ lệ hấp thu 14,3%). Đây là tỉ lệ giao dịch ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua ghi nhận của thị trường BĐS.

Tại thị trường TP.HCM, hơn 8.400 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường trong quý vừa qua nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.400 sản phẩm. Lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng quý I tại TPHCM có 10 dự án được phê duyệt, với hơn 2.800 sản phẩm, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 2.700 căn hộ chung cư và 80 sản phẩm thấp tầng. Còn tại thị trường Hà Nội, theo thống kê của Sở Xây dựng, hơn 8.950 căn hộ đã được chào bán trên toàn thị trường, nhưng chỉ giao dịch thành công hơn 1.300 sản phẩm. Lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng quý 1 tại Hà Nội có 15 dự án, với hơn 9.400 sản phẩm, tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 8.850 căn hộ chung cư và 536 căn thấp tầng.

Bên cạnh đó, dù thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng kéo dài của dịch bệnh nhưng giá thành BĐS tại hầu hết các phân khúc không hề có sự sụt giảm. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm. Theo đó, giá thành BĐS vẫn ở mức rất cao so với quý IV/2019.

Ghi nhận thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người; khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường BĐS có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi.

Doanh nghiệp BĐS cần các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp. Ảnh minh họa.

Dự báo về tình hình thị trường BĐS trong thời gian tới, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng thị trường căn hộ ở tại Hà Nội và TPHCM vẫn có giao dịch nhưng không nhiều, chủ yếu ở phân khúc bình dân, trung cấp, do nhu cầu nhà ở của người dân vẫn cao.

Theo đó, trong quý II/2020, thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TPHCM. Giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Bên cạnh đó, nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức 1 con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.

Về lâu dài, Hội Môi giới BĐS Việt Nam dự báo giá bán căn hộ tại các đô thị, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh và cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều. Đáng chú ý, giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm dẫn đến áp lực vốn cho các dự án buộc chủ đầu tư phải giảm giá. Tuy nhiên, tất cả các dự báo sẽ còn những thay đổi, phụ thuộc vào tình hình, diễn biến dịch bệnh.

Mặt khác, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, theo Hội môi giới BĐS Việt Nam các loại hình doanh nghiệp BĐS cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm.

Doanh nghiệp phát triển BĐS nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm.

Đồng thời, để chuẩn bị cho việc quay trở lại một cách mạnh mẽ khi dịch được kiểm soát, ở thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư nên tập trung vào việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cùng với các cơ quan quản lý tháo gỡ những dự án đang ách tắc của giai đoạn trước, để khi thị trường hồi phục thì có thể triển khai dự án, có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tăng cường kiểm tra hoạt động các sàn giao dịch bất động sản(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Hà Nội, nhằm chấn chỉnh kịp thời, hướng dẫn, khắc phục các tồn tại, hạn chế, thiếu sót của các sàn giao dịch bất động sản, Sở sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản hoạt động trên địa bàn thành phố.

Thanh Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang