Giải pháp xây dựng phân khúc nhà ở bình dân ‘xanh’ mà không ‘đắt’

author 15:24 28/07/2019

(VietQ.vn) - Khi mọi người nhắc đến xanh thường nghĩ đến những giải pháp đắt đỏ như dùng pin năng lượng mặt trời, trồng cây trên mái… Tuy nhiên, có dự án đắt mà không xanh và có những công trình xanh nhưng không đắt.

Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt, bởi nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào giai đoạn dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ và nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có mức độ đô thị hóa nhanh với ước tính khoảng 1 triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố.

Còn theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng được các nhu cầu này, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA nhận định, nhà ở giá thấp và trung bình là phân khúc lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng nhà ở dân dụng tại nước ta nhưng chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng. Trong khi đây lại là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Do đó, ông Chiến khẳng định, nếu triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. 

Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng: Khi mọi người nhắc đến xanh thường nghĩ đến những giải pháp đắt đỏ như dùng pin năng lượng mặt trời, trồng cây trên mái… Tuy nhiên, có dự án đắt mà không xanh và có những công trình xanh nhưng không đắt.

Do đó, một người kiến trúc giỏi là người hiểu được khu đất đó cần phát triển như nào. Nguyên tắc thiết kế: Giảm nhu cầu sử dụng - Thiết kế thụ động/Kiến trúc; Sử dụng hiệu quả - Hệ thống công trình; nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung - Tái tạo tại chỗ; nguồn năng lượng tái tạo tập trung - Ngoài phạm vi công trường; nguồn năng lượng truyền thống - điện lưới, khí... Những giải pháp này không hề tăng chi phí.

Thực tiễn trên thế giới đã có các công trình nhà ở xã hội, như dự án Bangalore, Ấn Độ với màu sơn trắng phản xạ, tỉ lệ kính thấp, tận dụng chắn nắng ngoài, sử dụng đèn LED 33%, dùng vòi lavabo, vòi tắm low flow, toilet 02 chế độ xả.

Ông Phong đưa thêm ví dụ dự án Santo, Haiti là dự án thấp tầng, ở phân khúc nhà ở xã hội. Ở đây, đất không thiếu nhưng công nghệ không cao và tốn kém nên không thể xây được cao tầng. Do đó, để tiết kiệm năng lượng, họ dùng tỉ lệ kính/tường thấp, tối đa chắn nắng ngoài, đèn LED 56%, vòi lavabo/vòi tắm flow flow, toilet 1 chế độ xả thấp, giảm lượng bê tông sử dụng trong kết cấu, dùng tường gạch bê tông cho tường trong và tường ngoài.

Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp trên thế giới mà không hề tốn nhiều chi phí. Với các quốc gia đang phát triển tỉ lệ xây dựng rất nhanh thì áp dụng chứng nhận chứng chỉ xanh EDGF là rất phù hợp, để khắc phục toàn bộ những yếu tố yếu kém của thị trường, đặc biệt là tiến độ bán dự án của thị trường bất động sản thì chứng nhận này ứng dụng rộng rãi, phù hợp với tiến độ phát triển.

Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với phân khúc nhà ở giá bình dân?(VietQ.vn) - Triển vọng thị trường nhà ở giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn chưa “mặn mà” khi đầu tư vào phân khúc bất động sản này.

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang