Giải quyết khó khăn, liên kết phát triển KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

author 06:13 06/05/2017

(VietQ.vn) - Ngày 5/5/2017, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIV.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đây là một trong những sự kiện lớn nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, Nam Trung bộ và Tây Nguyên là vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo; có hệ sinh thái đa dạng.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN toàn vùng đã có nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Để đạt được kết quả trên, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động KH&CN. Thứ trưởng hy vọng hoạt động KH&CN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo trong thời gian tới.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị giao ban Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh Sở KH&CN Lâm Đồng

Theo báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, trong 2 năm qua hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tạo được cơ sở lý luận và tổng kết được thực tiễn trong quản lý kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Tính đến nay, các Sở KH&CN các tỉnh đã triển khai thực hiện trên 448 nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực. Trong đó, khoa học tự nhiên 52 nhiệm vụ, khoa học kỹ thuật và công nghệ 94 nhiệm vụ, khoa học y dược 56 nhiệm vụ, khoa học nông nghiệp 117 nhiệm vụ, khoa học xã hội nhân văn 108 nhiệm vụ. Đã thực hiện nghiệm thu và bàn giao kết quả nghiên cứu trên 180 nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức ứng dụng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên còn gặp một số khó khăn, tồn tại.

“Nhiệm vụ KH&CN chủ yếu là hoạt động nghiên cứu ứng dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa chú trọng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đúng mức trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Thị trường KH&CN chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN phát triển. Hoạt động KH&CN ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí cũng như nguồn nhân lực. Hoạt động KH&CN cấp huyện và một số ngành, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cán bộ chuyên trách về KH&CN cấp huyện” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN trong các cấp ngành, địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và tính tất yếu phải đổi mới công nghệ trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn nhân lực KH&CN, nhất là nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn sâu còn thiếu. Việc tổ chức triển khai Quỹ phát triển KH&CN ở một số tỉnh còn gặp khó khăn. Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn khiêm tốn. Công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước còn hạn chế. 

Để giải quyết những khó khăn trên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cần chú ý một số vấn đề chính như: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vai trò của KH&CN, tăng cường công tác tuyên truyền về KH&CN; củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức KH&CN công lập theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những đơn vị trọng điểm đủ sức giải quyết các nhiệm vụ KH&CN của ngành, lĩnh vực; bảo đảm chức năng nhiệm vụ không chồng chéo, mang tính mạng lưới và hệ thống để phát huy sức mạnh. Cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN và quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; tăng cường tiềm lực KH&CN; phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; phát huy vai trò các tổ chức xã hội trong hoạt động KH&CN; hợp tác về KH&CN…

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất với Bộ KH&CN nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động KH&CN ở một số lĩnh vực như: Cơ chế chính sách, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đầu tư tăng cường tiềm lực, thông tin – truyền thông KH&CN, thị trường và doanh nghiệp KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực… Lãnh đạo Bộ KH&CN đã giao cho các đơn vị có liên quan xem xét xử lý đề xuất, kiến nghị của các địa phương để tiếp tục phối hợp xử lý trong thời gian tới.

 Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang