Giải quyết vướng mắc giúp nông sản lưu thông thuận lợi giữa dịch Covid-19

author 06:40 15/05/2021

(VietQ.vn) - Từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hai đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết nhằm giúp nông sản có thể lưu thông thuận lợi.

Theo Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hai đợt bùng phát dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.

Giải quyết vướng mắc giúp nông sản lưu thông thuận lợi giữa dịch Covid-19. Ảnh minh họa. 

Nhận định về các khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, có sáu vướng mắc cần giải quyết để nông sản có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh Covid-19.

Trước hết là cần hỗ trợ về tài chính, các gói hỗ trợ cần làm sao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn. Thứ hai là áp lực về thuế và phí, do thương mại gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, dẫn đến chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao tạo áp lực về tài chính. Thứ ba, hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng của các địa phương, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Vướng mắc tiếp theo là tìm cách điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Tiếp đến là thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đầu vào. Và cuối cùng là cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ cần được kết nối chặt chẽ hơn.

Về phía Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá việc tiêu thụ nông sản ở thị trường quốc tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường, thí dụ như Trung Quốc. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang gặp hạn chế về kỹ thuật ngoại thương, đàm phán, do đó cần các bộ ngành cùng chung tay để giải quyết.

Ngoài ra, trong tổ chức xuất khẩu, đang gặp phải vấn đề về chi phí khi logicstic chiếm đến 15-20% tổng chi phí kinh doanh. "Muốn thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh Covid hiện nay, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này", ông Chinh phân tích.

Đưa ra những giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước hết ngành nông nghiệp sẽ vừa tập trung sản xuất, vừa bảo đảm phòng chống dịch Covid-19. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để xây dựng các phương án, kế hoạch phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết sẽ thành lập các tổ liên Bộ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến sản xuất cũng như cửa khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ liên hệ với Bộ Ngoại giao để kết nối thông tin nhu cầu nông sản của mỗi nước thông qua các Đại sứ quán. Đặc biệt, Bộ sẽ có văn bản gửi đến các địa phương của Trung Quốc có cửa khẩu với Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương với doanh nghiệp trong nước, quốc tế(VietQ.vn) - Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương năm 2021 sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang