“Với kết quả đã đạt được trong 23 năm qua, hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí trong Phong trào Năng suất – Chất lượng ở nước ta, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”, đó là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI khi trả lời phỏng vấn Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) trước thềm Lễ trao GTCLQG 2018.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế - thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award- GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization- APQO). Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các DN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm của mình.

Thưa ông, hiện nay có rất nhiều giải thưởng về lĩnh vực doanh nghiệp doanh nhân, là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông nhận xét gì về GTCLQG?

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một trong những giải thưởng rất có ý nghĩa, là bước khẳng định sự tiến bộ và đích phấn đấu đối với các doanh nghiệp.

Hình thành và phát triển cùng với Phong trào Năng suất – Chất lượng của Việt Nam, GTCLQG đã góp phần nâng cao năng lực vật chất, kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình tăng cường sự hội nhập kinh tế của đất nước. Sự tham gia GTCLQG hàng năm đã và đang tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng các thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Với kết quả đã đạt được trong hơn 22 năm qua, hoạt động GTCLQG ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí trong Phong trào Năng suất – Chất lượng ở nước ta, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

 
 

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia như là một tiêu chí hàng đầu để DN cả nước phấn đấu để hoàn thiện mình, vì sự phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Giải thưởng cũng chính là động lực, cũng là mục tiêu để doanh nghiệp phấn đấu, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của DN trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Giải thưởng còn khuyến khích DN tự hoàn thiện, nâng cao trách nhiệm xã hội, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nơi doanh nghiệp cư trú.

Giải này không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp tự tối ưu hóa quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn tạo hứng khởi để họ có trách nhiệm hơn đối với các vấn đề an sinh, xã hội chung của địa phương.

Theo ông, GTCLQG có vai trò thế nào đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung?

Đây là giấy thông hành đánh dấu sự phát triển của DN và tăng cường khả năng cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển của DN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Những DN đạt Giải thưởng là những DN điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật trong suốt thời gian qua. Đồng thời, đây là những DN đi đầu tham gia trong phong trào năng suất - chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về chất lượng.

 
 
 

Nhiều DN quan tâm áp dụng tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hoá nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận đo lường, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương. Theo ông, GTCLQG có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay?

Đây là hình thức tôn vinh khen thưởng ở cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ tặng cho các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Hơn 20 năm triển khai và hoạt động, GTCLQG đã và đang ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào năng suất và chất lượng trong hai thập niên qua, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

  

Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia GTCLQG nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp nhìn lại và đánh giá toàn diện hệ thống hoạt động sản xuất của mình, từ đó tìm ra những vấn đề cần cải tiến chất lượng, nâng cao uy tín thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay.

Chính phủ đang dành nhiều sự quan tâm phát triển doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, Giải thưởng đã góp phần như thế nào vào thúc đẩy quá trình này?

Có thể nói, Giải thưởng chính là thước đo sức khỏe của doanh nghiệp và là các công cụ giúp nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều DN tư nhân có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước tham dự và đạt giải. Các DN đăng ký tham dự và đạt giải đều là những DN xứng đáng, áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, có những thành tích sản xuất kinh doanh thực sự nổi bật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

 
 

Với 7 tiêu chí của GTCLQG, các doanh nghiệp tham gia đã căn cứ các tiêu chí này để làm mục tiêu cho các hoạt động: phải làm sao cho hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng của nhà nước, rồi tính đến việc giảm giá thành, chi phí để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…Quá trình chuẩn bị này là một bước chuẩn bị quan trọng, tăng sức cạnh tranh để doanh nghiệp tham gia hội nhập.

Không dừng lại ở đó, các công cụ đó còn được tiếp tục sử dụng trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Và sau khi đoạt giải, những thước đó ấy vẫn được sử dụng.

Giải thưởng đã giúp doanh nghiệp không chỉ có được định hướng về tiêu chí và có động lực để tiếp tục hoàn thiện những quy trình sản xuất của mình, mang lại những sản phẩm chất lượng cao cho xã hội, mà còn là trách nhiệm và là mục tiêu để phát triển của mỗi doanh nghiệp hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Doãn Trung
 
Thích và chia sẻ bài viết:

Về đầu trang