Giải thưởng chất lượng Quốc gia: Thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới sự tuyệt hảo

authorThanh Uyên 09:45 22/03/2015

(VietQ.vn) - Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động và áp dụng các thực hành tốt nhất.

Sự kiện: Chào mừng GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2104: Hơn cả sự tôn vinh" do Chất lượng Việt Nam Online tổ chức, đánh giá về tầm quan trọng của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đối hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp (DN) trên thị trường trong và ngoài nước, TS Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết Giải thưởng đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động và áp dụng các thực hành tốt nhất.

TS Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

TS Ngô Quý Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Chất lượng Việt Nam ghi nhận lại một số thông tin được Tổng cục trưởng chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến ngày 18/3.

Thưa Tổng cục trưởng, GTCLQG là một mô hình giúp DN tự hoàn thiện để vươn tới sự tuyệt hảo về chất lượng. Các tiêu chí dựa trên các nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại. Ông có thể cho biết rõ hơn vai trò quan trọng của các tiêu chí GTCLQG đối với việc sự phát triển bền vững của DN như thế nào?

TS. Ngô Quý Việt: Các tiêu chí GTCLQG chính là những giá trị cho việc định hướng hành vi của doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, là nền tảng để hợp nhất các yêu cầu về vận hành toàn bộ các quá trình gắn với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các tiêu chí GTCLQG cũng là cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp tự xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của mình. Các Tiêu chí này có 3 vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp bao gồm: Giúp cải thiện năng lực, thực tế và kết quả hoạt động của doanh nghiệp; Tạo điều kiện thông tin và chia sẻ các thực hành tốt nhất giữa các loại hình doanh nghiệp; Được sử dụng như một công cụ làm việc trong việc nhận thức và quản lý tình hình hoạt động, cũng như trong việc hoạch định chiến lược và triển khai thực hiện của doanh nghiệp.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp nỗ lực hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động, hệ thống 7 tiêu chí GTCLQG được thiết kế giúp các doanh nghiệp sử dụng cách tiếp cận tổng hợp trong việc quản lý hoạt động của mình.

Thực tiễn cho thấy, giải thưởng chất lượng, vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuộc thi tuyển về chất lượng, trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cơ sở tự hoàn thiện hoạt động và áp dụng các thực hành tốt nhất.

Được biết, năm 2014 có DN đã đi đến vòng chung khảo nhưng sau đó lại bị loại vì không đảm bảo được một trong những tiêu chí của Giải thưởng. Ông có thể cho biết rõ hơn về quy trình xem xét, đánh giá giải thưởng để đảm bảo tính chính xác và công minh của giải thưởng? 

 TS. Ngô Quý Việt: Không chỉ riêng trong năm 2014, việc có DN không được Hội đồng quốc gia xét đề nghị trao giải, mặc dù đã được Hội đồng sơ tuyển đề nghị, đôi khi vẫn xảy ra trong quá trình xét tặng hằng năm. 

Quá trình đánh giá Giải thưởng được tiến hành qua 2 cấp hội đồng: hội đồng sơ tuyển và hội đồng quốc gia. Thành viên Hội đồng là đại diện cho các cơ quan quản lý, tổ chức, các chuyên gia có uy tín tại địa phương và Trung ương, những người am hiểu về quản lý chất lượng và nắm vững các tiêu chí và yêu cầu của GTCLQG. Hội đồng thành lập các đoàn đánh giá để xem xét, đánh giá hồ sơ và đánh giá tại DN tham dự.

Trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao giải, Cơ quan thường trực GTCLQG lấy ý kiến hiệp y của UBND các tỉnh, thành phố có DN được đề xuất trao giải. Chúng tôi cho rằng quy trình như vậy minh chứng cho tính chính xác, công khai, khách quan và công bằng trong việc xem xét, đánh giá GTCLQG.

Tôi thấy GTCLQG là một giải thưởng uy tín và có quy mô lớn nhưng tại sao có ít các Tổng công ty, Tập đoàn lớn tham gia. Thậm chí số lượng doanh nghiệp tham gia giải thưởng cũng chưa được nhiều. Ông bình luận gì về điều này? 

TS. Ngô Quý Việt: Mục tiêu của GTCLQG là tôn vinh, khen thưởng DN đạt những thành tích xuất sắc, nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Điều này không phụ thuộc vào quy mô của DN to hay nhỏ, mà điều quan trọng nhất là DN đó có xứng đáng được trao giải hay không.

Mặc dù GTCLQG là phần thưởng cao quý nhất về chất lượng, được luật định nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế chủ yếu sau đây: GTCLQG chưa thực sự cuốn hút sự quan tâm của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp là Tập đoàn, Tổng công ty lớn tham gia còn chưa nhiều. Chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên chính của hiện tượng này là công tác tuyên truyền, quảng bá về GTCLQG chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai hoạt động GTCLQG. Nguyên nhân khác là còn có những doanh nghiệp chưa quan tâm đến chiến lược phát triển lâu dài, duy trì chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình mà mới chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn trước mắt.

Thưa ông, với tư cách là cơ quan chủ trì hoạt động GTCLQG hằng năm, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các DN tham gia Giải thưởng những năm qua? 

TS. Ngô Quý Việt: GTCLQG xứng tầm là giải thưởng chất lượng ở cấp quốc gia, luôn giữ được vị trí quan trọng và có uy tín trong cộng đồng DN nói riêng và đối với xã hội nói chung. Thực tế triển khai GTCLQG trong những năm qua cho thấy DN đạt giải hằng năm thực sự có thành tích nổi bật trong hoạt động SXKD, có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, luôn duy trì được chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình, kể cả sau khi đã đạt giải.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Chất lượng Vàng Quốc gia 2013 cho bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB

GTCLQG có tác động như thế nào đối với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước? 

TS. Ngô Quý Việt: Được trao GTCLQG chính là việc ghi nhận DN thực sự có những thành tích nổi bật trong hoạt động SXKD, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Thông qua đó, uy tín và vị thế của DN ngày một nâng cao, nhưng hơn hết vẫn là cơ hội để DN tự hoàn thiện mình thông qua các tiêu chí của GTCLQG.

GTCLQG nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - TBD. DN Việt Nam đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia trong vòng 2 năm gần nhất có thể được lựa chọn và đề cử tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - TBD. DN có thể tuyên truyền về việc được trao GTCLQG hoặc Giải thưởng Chất lượng Quốc tế - Châu Á Thái Bình Dương, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, nhằm quảng bá sản phẩm và hình ảnh của mình trên thị trường khu vực và quốc tế.

Qua tìm hiểu được biết, DN đạt giải đều áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến như ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMP, HACCP ... và hầu hết các DN đạt giải đều là những DN có "uy tín và vị thế". Vậy Tổng cục có tư vấn gì cho DN vừa và nhỏ áp dụng các công cụ quản lý này để có thể tham gia giải thưởng hay không? 

TS. Ngô Quý Việt: GTCLQG được tổ chức hằng năm với mục đích tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích nổi trội về chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế áp dụng các hệ thống và công cụ quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động một cách toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, trong những năm gần đây các doanh nghiệp tham dự và đạt giải đều áp dụng một hay nhiều mô hình, công cụ, phương pháp quản lý tiên tiến.

Năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai nhằm tạo động lực và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, GTCLQG là một trong những giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN. 

Chương trình quốc gia này có Dự án số 2: “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” nhằm Tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất và chất lượng; phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đo lường năng suất của nền kinh tế, ngành kinh tế, doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể liên hệ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ở Trung ương hoặc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố để được tư vấn về việc áp dụng các hệ thống, công cụ tiên tiến đáp ứng tiêu chí tham gia GTCLQG.

Thời điểm GTCLQG được thiết lập và triển khai là giai đoạn Việt Nam bắt đầu chính sách hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế. Vậy GTCLQG đóng góp như thế nào cho quá trình hội nhập của các DN Việt Nam

TS. Ngô Quý Việt: Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được hình thành từ năm 1995, là năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Sau đó, tiến trình hội nhập của đất nước ta ngày càng mở rộng, muốn hội nhập được thì chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Giải thưởng Chất lượng Việt Nam trước đây, hiện nay là Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là một công cụ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình để tăng cường sức cạnh tranh. Từ đó, doanh nghiệp sẽ hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới.

Thanh Uyên (lược ghi)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang